Nhiều người đang sử dụng điện thoại iPhone, Samsung trị giá khoảng 1.000 USD. Vậy quá trình Samsung tạo ra giá trị 1.000 USD đó như thế nào?
Xuất phát từ định vị của TP
Samsung mở nhà máy công nghiệp tại Việt Nam, dùng nhân công, nguồn lực, tài nguyên của Việt Nam và mang linh kiện thiết bị của các tập đoàn, nhà cung cấp bên ngoài vào cho công nhân Việt Nam lắp ráp. Trên mỗi chiếc điện thoại, Việt Nam được nhận 5 USD tiền gia công, bên bán camera cho điện thoại được 30 USD, doanh nghiệp (DN) bán hệ điều hành được khoảng 40 USD, những DN làm thương mại kiếm được 60-90 USD… Tổng cộng, chi phí Samsung bỏ ra các khâu sản xuất, lắp ráp, kinh doanh… mỗi chiếc điện thoại là 219 USD và thu về gần 800 USD trong tổng giá trị 1.000 USD.
Họ thu lợi nhuận khủng và đảm nhận nhiệm vụ chính là nghiên cứu, ươm tạo, cải tiến… để mỗi năm đưa ra thị trường những dòng sản phẩm độc đáo hơn, nhiều tính năng hơn nhằm gia tăng giá trị, thu hút ngày càng nhiều khách hàng hơn.
Qua câu chuyện này có những điều cần suy ngẫm. TP HCM định vị là gia công hay thương mại cho các hàng thô của những địa phương khác hay sẽ là trung tâm tài chính, hay là TP sáng tạo với sản phẩm chính là sự sáng tạo? Ngành kinh tế sáng tạo dựa trên nền tảng là sự sáng tạo. Một công thức chống ung thư có thể bán hàng chục triệu USD, 1 game có thể bán vài chục USD, 1 công thức nước giải khát mới có thể bán vài chục ngàn USD... Các nước đang hình thành ngành kinh tế mới là kinh tế sáng tạo. So sánh các nền kinh tế sáng tạo của 23 nước EU cho kết quả là kinh tế sáng tạo có giá trị hơn 200 tỉ euro mỗi năm, cao hơn ngành công nghiệp nặng và công nghiệp ôtô.
Lãnh đạo TP HCM gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài ảnh: Tấn Thạnh
Đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng
Từ định vị này sẽ tạo động lực để hình thành thị trường sử dụng đổi mới sáng tạo. Điều này hết sức quan trọng. Cần mang tâm thế cạnh tranh "sống chết" vào DN Việt. Gần đây, khi DN ngoại vào Việt Nam nhiều hơn, mạnh hơn thì rất nhiều DN trong nước "chết" vì chưa sẵn sàng, trong khi số DN Việt có tâm thế vươn ra thị trường thế giới lại rất ít. Vì vậy, cần thiết phải tạo tâm thế quyết liệt thay đổi trên cơ sở đổi mới sáng tạo cho cộng đồng DN. DN phải thay đổi vị thế của mình để tạo giá trị cao hơn. Thay vì làm gia công, chuyển dần lên những phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị để tạo giá trị gia tăng nhiều hơn.
Việt Nam đã có được một số start-up lọt vào top 10 "kỳ lân công nghệ" của Đông Nam Á, có giá trị vài chục đến cả trăm triệu USD như Tiki, VNG, Foody, Thế Giới Di Động… Hay các chuỗi trà - cà phê như Phúc Long, Coffee House, Passion đã định vị được thương hiệu trên nền tảng ứng dụng đổi mới sáng tạo. Những bài học đó chúng ta nhân rộng ra để có vài trăm, vài ngàn DN như vậy. Thay vì có 1.000 DN quy mô 2-3 tỉ đồng thì chỉ cần 100 DN quy mô trăm tỉ đồng.
Đổi mới sáng tạo của TP HCM còn khá mới mẻ nên cần thêm một thời gian nữa chứng minh hiệu quả, đặc biệt đối với cộng đồng DN vừa và nhỏ. Hiện nay, nói tới đổi mới sáng tạo, chúng ta nghiêng về cộng đồng start-up, điều đó cũng tốt. Tuy nhiên, xu hướng của một số quốc gia có cộng đồng DN nhỏ và vừa nhiều mà thiếu vắng DN lớn thì nhà nước dồn sức nâng các DN nhỏ và vừa lên, giúp họ đầu tư, củng cố, nâng tài sản vô hình. Các quốc gia lớn đã đầu tư lớn cho tài sản vô hình và đã chứng minh sự thành công với định hướng đầu tư này. Các DN ngoại khi mở chuỗi của họ tại Việt Nam chỉ cần mang mô hình, công nghệ, công thức vận hành của họ vào Việt Nam và sử dụng mặt bằng, con người, nguồn lực tại chỗ để xây dựng, phát triển chuỗi. Nói cách khác, họ bán sự sáng tạo của họ. DN Việt phải trả hàng chục ngàn USD để mua nhượng quyền từ DN nước ngoài chính là mua sự sáng tạo, mô hình của họ.
Trở lại với TP HCM, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế TP trước tiên phải xuất phát từ định vị của TP. TP xác định vị trí là trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm tài chính thì phải gắn liền với mục tiêu là trung tâm sáng tạo. Bởi đổi mới sáng tạo cùng với sự tham gia của cộng đồng start-up sẽ bổ sung, đa dạng hóa thị trường tài chính: những ứng dụng blockchain, kinh doanh tiền ảo, phương thức thanh toán… Tương lai, các tổ chức ngân hàng sẽ giảm doanh thu, giảm chức năng tín dụng mà bổ sung thêm chức năng thanh toán; thị trường sẽ hình thành các tổ chức trung gian tài chính (hiện chúng ta đang thiếu các tổ chức này). Cùng với đó, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng sẽ giúp nâng các ngành dịch vụ mũi nhọn của TP HCM như y tế, ngân hàng, giáo dục, IT, chế biến thực phẩm…
Xu hướng tất yếu
Kinh tế sáng tạo là xu hướng tất yếu và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo cần được trang bị kiến thức để chuyển đổi theo xu hướng đó. Việt Nam mạnh về ẩm thực, nước uống, dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ... nhưng đã có chuỗi nào ra nước ngoài chưa? Chúng ta có chiến lược xây dựng 50 hay 100 thương hiệu của TP HCM để vươn ra thế giới chưa? Nếu có chiến lược đó, đầu tiên phải tạo ra nhận thức, sau đó cần có những chương trình để giúp hiện thực hóa. TP có đủ đội ngũ tư vấn, có chương trình đào tạo, tổ chức kết nối và cả các tổ chức tài chính đủ mạnh, sẵn sàng hỗ trợ cho kinh tế sáng tạo nên những việc này không quá khó đối với TP.
Mời bạn đọc tham gia hiến kế cho TP HCM
Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Lắng nghe người dân hiến kế" trên báo giấy và mở thường xuyên trên Báo Người Lao Động Điện tử để tiếp nhận những ý kiến đóng góp của người dân. Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều hiến kế, giải pháp khả thi, qua đó góp phần xây dựng TP sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)