Cùng với sự phát triển nhanh chóng của đô thị hóa, hiện đại hóa, kinh tế cũng như sự gia tăng dân số không ngừng, các TP phải đối mặt với nhiều thách thức như: phương pháp quản lý đô thị hiện hữu không hiệu quả, giao thông tắc nghẽn, giám sát môi trường chưa hoàn thiện… Điều này buộc các TP phải có mô hình vận hành đô thị thích ứng, quản lý đô thị thông minh hơn. Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, đổi mới công nghệ đã trở thành động lực hàng đầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như đô thị trong tương lai.
Thay đổi môi trường sống, cách tương tác
Cốt lõi của một thành phố thông minh (TP) là thay đổi cách tương tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân thông qua việc sử dụng thế hệ công nghệ thông tin mới: internet vạn vật (Internet of Things: IoT) và điện toán đám mây nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đô thị, đem lại cho cư dân cuộc sống tốt hơn.
Hệ thống TP thông minh có 3 đặc điểm: nhận thức thấu đáo hơn, liên kết rộng hơn và thông minh hơn. Cụ thể, việc sử dụng thiết bị, hệ thống, quy trình để đo lường, nắm bắt và truyền tải thông tin mọi lúc mọi nơi giúp việc thu thập và phân tích mọi thông tin trong TP thấu đáo hơn, từ đó có biện pháp ứng phó tức thời và kế hoạch lâu dài. Ngoài ra, việc sử dụng đa dạng công cụ kết nối mạng với tốc độ nhanh, băng thông cao sẽ làm cho việc tương tác, chia sẻ thông tin của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và hệ thống thông tin chính quyền được toàn diện; giám sát, phân tích tình hình từ góc độ toàn cầu và giải quyết vấn đề thông qua sự hợp tác nhiều bên. Việc phân tích sâu những dữ liệu thu thập sẽ giúp có cái nhìn mới mẻ, hệ thống và thấu hiểu hơn để giải quyết những vấn đề cụ thể.
Khái niệm TP thông minh ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai phát triển của TP, chủ yếu qua 4 phương diện: quản lý TP, sự phát triển của các ngành chiến lược mới nổi để xây dựng TP thông minh, xu hướng của đổi mới công nghệ, cung cấp một cuộc sống tốt hơn. Đặc trưng của khái niệm TP thông minh là: "thông minh + kết nối + cộng tác" trên nền tảng tích hợp các ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến.
Xây dựng TP thông minh sẽ thay đổi môi trường sống, cách thức liên lạc giữa con người và vạn vật. Nó có thể tác động sâu sắc đến cuộc sống, giải trí, công việc, tương tác xã hội và gần như là mọi hành vi của chúng ta. Hệ thống y tế thông minh giúp cư dân được chăm sóc sức khỏe kịp thời và hiệu quả; đồng thời giải quyết hiệu quả những vấn đề hiện tại về nguồn lực y tế hạn chế và sự phân phối không đồng đều. Giao thông thông minh giúp việc đi lại thuận tiện hơn và sử dụng hiệu quả các hạ tầng đô thị. Chuỗi cung ứng thực phẩm thông minh giúp người dân có thể yên tâm mua sắm và ăn uống. Nhà thông minh tạo ra môi trường sống an toàn, thông minh và thoải mái. Hệ thống khẩn cấp về an toàn của TP thông minh có thể giám sát hiệu quả an ninh công cộng để đối phó kịp thời, hiệu quả với tội phạm và các trường hợp khẩn cấp; tạo ra môi trường TP an toàn... Thông qua hàng loạt dự án thông minh, TP thông minh được xây dựng là một TP hài hòa, ổn định, kinh tế phát triển lành mạnh, an toàn, thân thiện với môi trường và đáng sống.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của đô thị hóa, hiện đại hóa, sự gia tăng dân số…, các TP phải có mô hình vận hành đô thị thích ứngẢnh: Tấn Thạnh
Các nguyên tắc cơ bản thiết kế TP thông minh
Để TP HCM trở thành đô thị thông minh, cần phải hợp nhất kế hoạch đô thị hóa và thông tin hóa quốc gia cũng như liên kết với những hoạch định và chính sách liên quan của TP. Thúc đẩy sự tiện lợi của những dịch vụ công cộng, quản lý đô thị một cách tinh tế, cơ sở hạ tầng thông minh, an ninh mạng dài hạn…
TP thông minh phải hướng về con người, được định hướng bởi "vì nhân dân, sự tiện lợi và lợi ích của nhân dân". Trong quá trình phát triển, những ý kiến và đề xuất của chính quyền, doanh nghiệp và cư dân đều nên được xem xét. Đặc biệt, sử dụng TP thông minh như một phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự đổi mới các cơ chế điều phối, quản lý, vận hành và phát triển công nghệ thông tin.
Khái niệm TP thông minh vẽ ra một bản thiết kế tuyệt đẹp cho phát triển đô thị tương lai. Tuy nhiên, chiến lược phát triển TP thông minh với công nghệ là động lực cốt lõi cũng sẽ gặp một số vấn đề.
Trước hết là toàn thông tin. Cần phải bảo đảm rằng các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, bí mật nhà nước của chính quyền địa phương không bị rò rỉ khi các doanh nghiệp lớn, cơ quan chính phủ và tổ chức nước ngoài hợp tác trong các dự án.
Vấn đề thứ hai chính là nhân tài trong ngành công nghiệp tương đối khan hiếm, đặc biệt trong lĩnh vực IoT, cần đầu tư thời gian để tăng cường đào tạo nhân tài.
Nói tóm lại, khi khoa học - công nghệ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển đô thị và khái niệm TP thông minh với IoT, điện toán đám mây và các công nghệ khác đóng vai trò cốt lõi sẽ giúp việc quản lý, sản xuất và đời sống cư dân TP được kết nối hoàn toàn với nhau, tạo ra sự phát triển và một cuộc sống tốt đẹp hơn cho đô thị tương lai.
Cuộc thi lắng nghe người dân hiến kế lần 2
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 kéo dài đến ngày 31-5-2021, tập trung vào 3 chủ đề chính: "Đô thị thông minh", "Khởi nghiệp - thương hiệu của TP HCM", "Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM".
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà) hoặc gửi trực tiếp Tòa soạn Báo Người Lao Động tại địa chỉ: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
Tổng giải thưởng cho cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 là 120 triệu đồng, bao gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Bình luận (0)