Khi các trung tâm đô thị của Việt Nam tiếp tục mở rộng, một trong những vấn đề quan trọng cần được giải quyết là khả năng cung cấp nhà ở giá rẻ cho người lao động và người có thu nhập thấp. Đây là một thách thức không nhỏ. Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng trị giá 110.000 tỉ đồng (4,7 tỉ USD) để phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Bài học từ gói 30.000 tỉ đồng
Gói tín dụng nhà ở xã hội trị giá 30.000 tỉ đồng được đưa ra vào năm 2013 là một sáng kiến chính sách quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp và vực dậy thị trường bất động sản vốn đang trì trệ. Chính sách dù đúng mục đích và được ủng hộ nhưng việc triển khai đã bộc lộ những bất cập, bài học đáng tham khảo cho các gói tín dụng tiếp theo.
Việc chậm giải ngân các gói hỗ trợ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH
Một trong những bài học quan trọng là cần tinh giản thủ tục và giảm bớt gánh nặng hành chính. Các chính sách trong tương lai nên đơn giản hóa thủ tục để bảo đảm các lợi ích của chính sách có thể tiếp cận được đúng người thụ hưởng
Một bài học khác là tầm quan trọng của việc nhắm mục tiêu và giám sát. Gói tín dụng nhà ở xã hội vốn dành cho người thu nhập thấp nhưng đã có báo cáo về việc người thu nhập trung bình, thậm chí cao, tiếp cận được nguồn vốn này. Do đó, gói tín dụng sau cần có các tiêu chí rõ ràng về điều kiện và cơ chế giám sát việc tuân thủ để bảo đảm rằng những đối tượng dự kiến là những người được hưởng lợi.
Bài học thứ ba là sự cần thiết phải đổi mới cơ chế tài chính. Cơ chế cho vay của các ngân hàng là giống nhau đối với người nghèo và người giàu, dẫn đến sự tắc nghẽn quy trình đối với những người đi vay có thu nhập thấp. Với yêu cầu những người đi vay có thu nhập thấp chứng minh thu nhập, khả năng trả nợ và tài sản thế chấp, chủ doanh nghiệp nhỏ, người thu nhập thấp và người lao động thời vụ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng.
Cuối cùng, bài học then chốt là tầm quan trọng của việc sắp xếp các ưu đãi và lợi ích. Nhiều ngân hàng không mặn mà cho vay theo gói tín dụng nhà ở xã hội do tỉ suất lợi nhuận thấp hơn so với gói vay thương mại. Hiện tượng này nhấn mạnh sự cần thiết phải gắn kết lợi ích của người cho vay và người đi vay, cũng như cung cấp các biện pháp khuyến khích phù hợp cho cả hai. Ví dụ, những người cho vay có thể được giảm thuế hoặc các ưu đãi khác khi cho những người thu nhập thấp vay. Ngược lại, người vay có thể được trợ cấp lãi suất hoặc các lợi ích khác để bù đắp rủi ro vỡ nợ cao hơn.
Thách thức và cơ hội từ gói 110.000 tỉ đồng
Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc triển khai gói tín dụng này là các điều kiện khắt khe để tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi. Các yêu cầu hiện tại có thể quá khắt khe, khiến nhiều nhà phát triển bất động sản nản lòng khi đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội.
Để gỡ nút thắt này, Bộ Xây dựng cần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét đề xuất gói tín dụng dễ tiếp cận hơn cho các dự án nhà ở xã hội. Gói tín dụng cần ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại đã được cấp phép với giá hợp lý.
Một khó khăn không nhỏ khác là việc giải ngân các gói hỗ trợ còn chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp. Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ đóng vai trò then chốt để giải quyết vấn đề này.
Với lãi suất hiện nay và giá vật liệu xây dựng tăng cao, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán nhà để tránh lỗ. Các ưu đãi cho vay mua nhà ở xã hội phải minh bạch về quy định, chuẩn hóa từ trên xuống dưới, đồng bộ với các tiêu chuẩn, quy định cho vay của các bộ, ngành liên quan. Điều này sẽ bảo đảm cho doanh nghiệp có sự hỗ trợ cần thiết để đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.
Đề xuất chính sách
Việc triển khai gói tín dụng nhà ở xã hội phải có sự phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan, bao gồm chính quyền địa phương, chủ đầu tư và người vay vốn. Có thể xem xét một số chính sách sau:
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cần đặt ra các mốc thời gian rõ ràng cho từng bước của quy trình phê duyệt; bảo đảm rằng các sở, ngành tuân thủ các mốc thời gian này.
- Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương cần ban hành các hướng dẫn rõ ràng, bảo đảm rằng các dự án nhà ở xã hội đáp ứng các tiêu chí cần thiết để cấp vốn.
- Chính quyền địa phương nên tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức để thông báo cho người dân về sự sẵn có của gói tín dụng, tiêu chí đủ điều kiện và quy trình đăng ký, bảo đảm rằng những người có nhu cầu biết về gói tín dụng và tiêu chí đủ điều kiện.
- Thủ tục hồ sơ vay vốn cần đơn giản hóa và dễ tiếp cận để tạo điều kiện tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Ví dụ, thành lập các trung tâm đăng ký vay vốn tại các địa phương và sử dụng những nền tảng số cho phép người vay đăng ký vay trực tuyến.
- Cần thiết lập cơ chế giám sát để theo dõi tiến độ các dự án nhà ở xã hội và bảo đảm nguồn vốn được giải ngân kịp thời. Thành lập một đơn vị chuyên trách trong Bộ Xây dựng hoặc thành lập một ủy ban ở cấp địa phương để giám sát việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội có thể là biện pháp hữu hiệu.
Bình luận (0)