Đây là năm thứ hai, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề trên quy mô toàn cầu. Ở Việt Nam, việc chuyển đổi và triển khai nhanh chóng các ứng dụng công nghệ như Bluezone, NCovi, VneID, tokhaiyte, khai báo mã QR, Sổ sức khỏe điện tử… đã giúp đem lại hiệu quả tích cực trong giai đoạn phòng chống dịch. Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khám chữa bệnh giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Càng ngày càng nhiều hơn bài toán của ngành y mà công nghệ có thể tham gia xử lý.
Những điểm sáng trong số hóa ngành y tế
Thống kê của Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế cho thấy 100% bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; việc kết nối liên thông với hệ thống giám định thanh toán bảo hiểm y tế đạt 99,5%.
TP HCM có nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Nhiều bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Với nội dung liên quan hồ sơ sức khỏe điện tử, nhiều bệnh viện đã triển khai mạnh mẽ việc tạo hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời…
Việc số hóa thành công trong ngành y tế TP HCM sẽ là bệ phóng cho một nền y tế tiên tiến hiện đại, bảo đảm vị trí đầu tàu cả nước về kinh tế - xã hội lẫn y tế - giáo dục. Từ đó, bệnh nhân sẽ là những người được hưởng lợi đầu tiên. Có thể thấy rõ sự hưởng lợi này từ những thứ nhỏ như thay vì phải xếp hàng chờ đợi, chen lấn, bệnh nhân được hướng dẫn lấy số thứ tự bằng máy tự động tại khu vực chờ khám bệnh, tại quầy thu viện phí hay mua thuốc; bệnh nhân được tiếp nhận bằng mã vạch, hiển thị tên, số tiền trên màn hình…
Số hóa trong khám chữa bệnh ở TP HCM cũng dẫn đến nhiều thành quả. Chẳng hạn, khi bệnh nhân nhập viện, thay vì phải chẩn đoán để loại trừ rất lâu với hàng loạt thủ tục khám, xét nghiệm tìm nguyên nhân, các bác sĩ có thể chẩn đoán nhanh chóng hơn trên nền tảng dữ liệu bệnh nhân đã có: tiền sử bệnh tật, lịch sử tiêm chủng, các kết quả khám chữa bệnh gần đây… Tất cả điều này sẽ mang đến sự thoải mái, thuận tiện cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế cũng như kết quả khám chữa bệnh tốt hơn hẳn.
Người dân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cần lộ trình rõ ràng, sự chỉ đạo quyết liệt
Thực trạng đã và đang diễn ra ở TP HCM là thiếu hụt nguồn nhân lực, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tế và việc số hóa vẫn còn chậm.
Số hóa trong việc ra đơn thuốc, y tế điện tử là những tiêu chí bắt buộc để ngành y tế đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thiếu dữ liệu cũng là "kẻ thù" trong khám chữa bệnh. Tất cả thông tin dữ liệu từ tầng thấp nhất đến cao nhất phải được kết nối với nhau, từ đó sử dụng thuật toán để phân tích thành các thông tin hữu ích, giúp vận hành thông minh. Ngoài thông tin, các hệ thống thiết bị máy móc trong bệnh viện cũng cần được kết nối nhiều hơn…
Những năm qua, TP HCM có xu hướng ứng dụng công nghệ trong y tế số là trí tuệ nhân tạo (AI), y tế từ xa, IoT, chăm sóc tại nhà, các thiết bị thông minh. Từ năm 2020, một số công nghệ được bổ sung như dự báo về AI, ứng dụng các dự báo vào quá trình điều trị, tự động hóa các quy trình bằng robot phần mềm. Đây chính là sự hợp sức giữa người và máy để tăng hiệu quả hoạt động trong ngành y tế.
Để thực hiện chuyển đổi số cho ngành y, cần tăng hiệu suất của các cơ sở khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng và hình ảnh của ngành y tế và đem đến trải nghiệm tối ưu cho người bệnh.
Các mục tiêu lớn về số hóa mà ngành y tế TP HCM cần phải thực hiện được đến năm 2025 là: có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tích hợp lên cổng quốc gia triển khai trên thiết bị di động, 90% người dân được định danh y tế, 80% hệ thống thông tin y tế kết nối, chia sẻ qua nền tảng tích hợp dữ liệu y tế, 20% lượt khám chữa bệnh từ xa, 50% lượt đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, 15% bệnh viện (tương đương 210 bệnh viện) chuyển đổi số thành công với việc triển khai bệnh án điện tử, thanh toán không tiền mặt, 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử, kết nối với tất cả cơ sở khám chữa bệnh...
Sức mạnh của việc số hóa ngành y tế TP HCM là giúp trao đổi dữ liệu để theo dõi dịch bệnh tốt hơn; giúp chia sẻ thông tin sức khỏe nhanh và dễ dàng hơn; giảm đáng kể những khó khăn trong việc thu thập thông tin y tế.
Trên thực tế, số hóa ngành y tế mang lại những lợi ích vô cùng to lớn. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này hoàn toàn không dễ, đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cơ quan liên quan và một lộ trình rõ ràng, cụ thể cũng như có sự chỉ đạo quyết liệt. Nếu được tiến hành số hóa đồng bộ, có sự phối hợp tích cực của cả hệ thống thì đây sẽ là một bệ phóng vững chắc cho một nền y tế thông minh.
Bình luận (0)