Bạn đọc Nguyễn Minh cho rằng nếu phục vụ cho giới nhà giàu thì không được lấy đất công, lấy tiền ngân sách chi cho trường. Giáo dục công sử dụng nguồn lực nhà nước thì phải công bằng. Đừng để con cái người nghèo phải học trường có chất lượng không cao. Nền giáo dục tụt hậu thì phải đổi mới - đó là nhiệm vụ của các nhà quản lý giáo dục, của Bộ GD-ĐT.
Chỉ "tạo thêm bất công"
"Có người còn nói đây là vấn nạn tiếp theo của giáo dục sau việc dạy thêm, học thêm tràn lan. Theo quan điểm của tôi, nếu gia đình nào giàu có, nhu cầu hưởng thụ cao (như bài báo của TS Hồ Thiệu Hùng đặt vấn đề), xin mời đến các trường dân lập (ở TP HCM đã có nhiều trường được thành lập). Còn trường công lập đang được ngân sách nhà nước bao cấp thì nên để "người nghèo" học. Làm sao có chuyện lợi dụng bất công để tạo công bằng?!" - bạn đọc Hoàng phản ứng.
Theo nhiều bạn đọc, trường CLC chỉ tạo thêm sự bất công. "Những trường CLC chọn vị trí đẹp, địa thế "kim cương" để xây dựng. Đầu tư ban đầu cũng bộn tiền mà tiền đó lấy từ đâu? Không phải từ ngân sách nhà nước sao? Tức là bớt của các trường công lập khác cho trường CLC. Như vậy sao gọi là công bằng?" - bạn đọc Lý Vân bày tỏ.
Bạn đọc Nguyễn Thụy Văn Thanh đề nghị: "Muốn xây dựng trường CLC, các vị lãnh đạo ngành giáo dục hãy quay lại xem cách hoạt động của các trường chuyên thời trước. Lúc đi học cấp 2-3 ở trường chuyên (giai đoạn 1993-2000), tôi không phải đóng tiền mà còn có học bổng hằng tháng nữa. Đó là môi trường CLC thật sự. Với giáo dục, xin hãy làm vì cái tâm, đừng vì tiền".
Không phải có tiền là có chất lượng cao
Bạn đọc Nguyễn Thanh Mai, một giáo viên từng dạy học ở một trường được gọi là CLC, nêu quan điểm: Muốn nâng cao chất lượng dạy học thì vấn đề quan trọng nhất phải là trình độ, năng lực, phẩm chất của người thầy. Tất nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện dạy học là rất quan trọng nhưng thầy không có tài, không có tâm thì điều kiện có tốt bao nhiêu cũng không làm thay đổi được chất lượng.
Nhiều bạn đọc cho rằng không phải học sinh cứ đóng học phí cao, giáo viên nhận lương nhiều là chất lượng dạy và học sẽ tốt. Cũng không phải cứ con nhà giàu là sẽ học giỏi (thực tế tại các kỳ thi ĐH đã cho thấy điều đó). Vậy xây dựng trường CLC theo quan điểm "lợi dụng sự bất công để tạo sự công bằng" trong giáo dục có đem lại kết quả mong muốn hay sẽ khơi sâu thêm sự bất công giữa các đối tượng học sinh?
Theo bạn đọc Bùi Minh Hòa, một giáo viên ở Hà Nội, đông đảo ý kiến bạn đọc không ủng hộ chủ trương mở trường CLC khi không biết thế nào là CLC, cao đến đâu mà lại phải đóng học phí nhiều như vậy... Sở GD-ĐT Hà Nội phải nêu cho được thế nào là trường CLC.
"Ý kiến của TS Hồ Thiệu Hùng rất đáng chú ý và cần được chia sẻ. Theo tôi, CLC trước hết là phải kể đến chương trình và sách giáo khoa (phải khoa học, thiết thực chứ không thể như hiện nay), sau đó là đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Theo tôi, hiện nguồn nhân lực cao như vậy rất khó kiếm, vậy làm sao xây dựng trường CLC?"- giáo viên này băn khoăn.
Cần đại cải cách giáo dục Bạn đọc Quang Thanh cho rằng cần phải xây dựng lại nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ việc xác định rõ triết lý giáo dục. Không nên cứ lâu lâu lại bàn một giải pháp phần ngọn như chủ trương mở trường CLC, không giải quyết được vấn đề gì. "Cần có một cuộc đại cải cách giáo dục. Tiền chúng ta không đến nỗi thiếu, bằng chứng là đã đầu tư cho giáo dục ít nhất 20% GDP. Vấn đề là tổ chức, cần một "kiến trúc sư" cho công trình đổi mới giáo dục hiệu quả để xây dựng một nền giáo dục tiên tiến" - bạn đọc Quang Thanh đề xuất. |
Bình luận (0)