Tự thu, tự chi
Theo nghị quyết vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua, mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập CLC áp dụng tối đa trong năm học 2013-2014 đối với trường mầm non và tiểu học là 2,9 triệu đồng/tháng, trường THCS và THPT là 3 triệu đồng/tháng. Đến năm học 2014-2015, các mức học phí tương ứng là 3,2 triệu và 3,4 triệu đồng/tháng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết học phí của cơ sở giáo dục công lập CLC được thu trên nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm tương xứng với cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy. Các trường CLC tự chủ toàn bộ chi phí hoạt động; bảo đảm dân chủ, công khai minh bạch; chịu sự quản lý của nhà nước, sự giám sát của phụ huynh học sinh (HS) và xã hội; bảo đảm tương xứng giữa chất lượng giáo dục với học phí…
Học phí chênh lệch 150 lần
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng chủ trương này không tốt. Theo ông, đã là trường công thì không nên có sự phân biệt đối xử, như thế là không công bằng trong đào tạo vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện đóng học phí 3 triệu đồng/tháng.
PGS Cương cho biết mức này cao hơn học phí của HS ngoại thành 150 lần. Thậm chí, còn cao hơn học phí của nhiều trường dân lập CLC như Trường Lương Thế Vinh (1,1 triệu đồng/tháng). “Chính sách này làm đẩy mạnh việc phân loại con người, đẩy mạnh phân hóa trong việc hưởng thụ giáo dục của nhà nước” - PGS Văn Như Cương nhận định.
Chất lượng có tương xứng?
Nghị quyết của Hà Nội nhấn mạnh: Các trường CLC phải công bố mức thu học phí cùng với cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo chương trình quy định trước kỳ tuyển sinh. Tuy nhiên, thế nào là trường CLC thì vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng. Một chuyên gia giáo dục cho rằng nếu không có định nghĩa thế nào là CLC mà thu học phí cao thì rất nguy hiểm. Liệu trường CLC có chương trình CLC không hay vẫn sử dụng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT)?
PGS Văn Như Cương cho rằng chương trình của trường CLC không thể thoát ly được khung chương trình của Bộ GD-ĐT. “CLC ở đây chỉ có thể là giảng dạy hay hơn, làm HS dễ hiểu hơn. Nếu chỉ thế thì các trường có thể bảo đảm 100% HS đỗ ĐH hay không?” - ông Cương đặt câu hỏi. Ông cũng nói thêm rằng những thứ khác như chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng bữa ăn, xe đưa đón, nhà thi đấu, bể bơi… chỉ là dịch vụ
giáo dục.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), thắc mắc chương trình của các trường CLC có khác gì trường thường hay không, đội ngũ giáo viên được tuyển chọn như thế nào? Theo ông Lâm, yếu tố quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên nên phải có chế độ chi trả hợp lý để bảo đảm giáo viên có CLC giảng dạy. “Phải trả lời được câu hỏi này chứ không phải thu tiền cao rồi không có sự bảo đảm nào về chất lượng” - TS Lâm nói.
Nhiều chuyên gia giáo dục còn băn khoăn trong quá trình chuyển tiếp lên trường CLC, những HS đã học ở đây nhưng không có đủ điều kiện theo học thì phải chuyển đi đâu. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết do theo nguyên tắc tự nguyện nên nếu trong quá trình chuyển tiếp, em nào không đủ điều kiện theo học các trường CLC thì sẽ bố trí học tại các trường công lập khác. Như vậy, đây lại là một bất công khi lấy các cơ sở giáo dục của nhà nước phục vụ cho một tầng lớp HS con nhà giàu.
“Rồi đây giáo dục của chúng ta sẽ đào tạo ra ít nhất 2 loại học sinh: “Học sinh chất lượng cao” và “học sinh hạng bét”? Đau đớn thay!” - PGS Văn Như Cương |
Bình luận (0)