Giáo dục Việt Nam đang tụt hậu, đây là điều ai cũng thấy. Nguyên nhân có nhiều, một trong số đó là đầu tư nhà nước trên mỗi học sinh (HS) quá thấp, quy định đóng góp của người học thông qua học phí cũng quá thấp. Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định học phí phải không quá 5% mức thu nhập trung bình của dân cư trong vùng, dẫn tới chất lượng giáo dục yếu kém. Ngành giáo dục đã và đang có nhiều nỗ lực thoát khỏi tình trạng này, mở loại hình trường công lập chất lượng cao (CLC) là một dẫn chứng.
Sẽ xảy ra phân biệt giàu - nghèo?
Mô hình trường công lập CLC giống các trường công lập ở chỗ có cùng mức chi nhà nước trên đầu HS, cùng mục tiêu đào tạo, cùng chương trình sách giáo khoa, cùng hệ thống thi cử đánh giá, cùng văn bằng... Khác nhau là ở các điểm chính sau: Lớp có sĩ số thấp (30 HS), học phí cao gấp hàng chục đến hàng trăm lần trường công lập bình thường (3 triệu đồng so với 30.000 đồng/HS), HS được học cả ngày tại trường...
Do vậy, trường CLC được kỳ vọng là sẽ đem tới nhiều thay đổi tích cực cho thầy và trò: Giáo viên có thu nhập cao, toàn tâm lo dạy học tại trường, phương pháp dạy được cải tiến mạnh mẽ, trang thiết bị nhà trường được hiện đại hóa; HS được học cả ngày tại trường... nên học giỏi hơn HS trường thường, lên lớp và thi tốt nghiệp, thi vào đai học đạt tỉ lệ cao hơn hẳn trường thường; HS sẽ không phải học thêm ngoài giờ trong trường, không phải đóng thêm khoản tiền nào nữa ngoài học phí...
Điều làm dư luận lo lắng là sẽ xảy ra tình trạng phân biệt giàu - nghèo ngay trong giáo dục công lập, lo con nhà nghèo mất chỗ học vì trường công lập CLC sẽ dành cho con nhà giàu... Nỗi lo đó có chỗ nào xác đáng, chỗ nào chưa?
Việt Nam hiện là một nước chấp nhận nền kinh tế thị trường có nhiều thành phần nên đương nhiên phải chấp nhận sự phân hóa giàu - nghèo, chấp nhận có sự bất bình đẳng trong thu nhập và do vậy có bất bình đẳng về hưởng thụ - trong đó có hưởng thụ giáo dục. Không thể hy vọng trong vòng vài thập kỷ sau ngày đổi mới, Việt Nam có ngay một xã hội trung lưu mà phải chấp nhận có người giàu trước, người giàu sau, miễn là đừng giàu lên bằng con đường phi pháp.
Người giàu trước có quyền được hưởng thụ cao hơn người còn nghèo. Đó là hợp lẽ tự nhiên, nếu không thì giàu lên để làm gì? Họ có quyền trả giá cao hơn để hưởng chất lượng dịch vụ cao hơn, trong đó có dịch vụ giáo dục. Con họ có quyền được học tại trường tốt hơn, dù đó là du học nước ngoài, du học tại chỗ ở trường quốc tế hay học tại trường CLC.
Trong khi chờ hưởng thụ thành quả của một cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà phải chấp nhận có một số trường CLC thoát trước ra khỏi tình trạng trì trệ, tụt hậu. Như vậy sẽ tốt hơn là buộc nhau bằng sợi dây đầu tư thấp kiểu cào bằng rồi níu nhau cùng tụt hậu.
Lợi dụng “bất công” để tạo thêm công bằng
Điều nhà nước cần làm cho giáo dục trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN không phải là cấm người giàu được hưởng chất lượng dịch vụ giáo dục cao (dù là trong trường công lập) mà là lo cải thiện không ngừng quyền lợi học tập cho HS thuộc mọi thành phần dân cư. Vì vậy, xin kiến nghị mấy nguyên tắc sau đây cho quá trình chuyển một số trường công lập thành trường công lập CLC:
- Trường CLC phải có tiêu chí thật rõ ràng và phải có cam kết công khai với xã hội, phải có đề án phấn đấu để đạt đủ các tiêu chí và điều cam kết.
- Cơ quan quản lý giáo dục căn cứ vào tiêu chí và cam kết để xét công nhận CLC cho trường đã trình đề án theo nguyên tắc 2 không: Không để trẻ trên địa bàn thiếu chỗ học tại trường công lập; không điều giáo viên giỏi từ công lập thường về tăng cường cho trường CLC.
Sau khi được công nhận, trong một số năm nào đó, trường CLC phải:
- Chuyển thành trường công lập tự thu, tự chi thực thụ. Nghĩa là không nhận tiền từ ngân sách nữa mà phải nhường hẳn phần “bánh” ngân sách của mình cho các trường công lập thường.
- Đảm đương nhiệm vụ trung tâm chất lượng cao, chuyển giao những phương pháp dạy học tiên tiến, bồi dưỡng giáo viên cho các trường công lập thường.
- Dành một số chỗ học cho HS nghèo nhưng học xuất sắc tại trường công lập qua học.
Thành lập và tổ chức trường CLC theo các nguyên tắc trên thì có thể lợi dụng sự “bất công” để tạo thêm sự công bằng, con nhà giàu được hưởng quyền lợi chính đáng mà con nhà nghèo cũng được nhờ. Không biết khi đó, sẽ có gia đình bình dân dám bán ruộng, bán nhà để đóng học phí cho con theo học trường CLC với niềm tin đổi đời?
(*) Các tít chính và phụ do Báo Người Lao Động đặt
Bình luận (0)