Bên cạnh nền kinh tế, hệ thống chuẩn mực đạo đức cũng góp phần xây dựng nên hệ sinh thái phát triển bền vững cho mỗi quốc gia/khu vực. Tương tự việc nâng tầm về mặt kinh tế, hệ thống chuẩn mực đạo đức cũng cần được tạo tiền đề và liên tục phát triển trong một chuỗi các chiến lược dài hạn.
Những chiến lược này bắt đầu từ những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại là những mắt xích quan trọng trong cả quá trình phát triển bền vững, dài lâu của xã hội.
Giáo dục đi đầu
Để có những thế hệ dẫn đầu, cần phải đặt trọng tâm vào giáo dục từ rất sớm. Từ bậc tiểu học, trẻ nhỏ cần được rèn luyện về những vấn đề cơ bản trong cách ứng xử từ gia đình, trong lớp và ngoài giờ học.
Không chỉ gói gọn trong nội dung sách giáo khoa, các em cần được tiếp xúc với môi trường thực tế với sự dẫn dắt của thầy cô cùng những bài học về đạo đức tuy đơn giản nhưng đầy thiết thực, ví dụ minh họa cụ thể và sâu sắc.
Các trường học ở nhiều địa phương có thể cân nhắc tổ chức những khóa học ngắn hạn ngoài trời cho các bé cũng như tham quan các địa điểm trong khu vực để sinh động hóa nội dung giảng dạy.
Từ bậc học cấp 2 trở đi, giáo viên cũng nên giải thích rõ cho học sinh về sự liên hệ giữa các môn khoa học tự nhiên và các môn khoa học xã hội cũng như tầm quan trọng của những chuẩn mực đạo đức trong xã hội.
Gợi mở cho các em nhìn nhận và giải quyết những vấn đề liên quan đến xã hội bằng những lý thuyết từ khoa học tự nhiên để các em hiểu hơn về tính thực tế của từng môn học cũng như sự kết nối đa chiều trong hệ thống kiến thức tổng quan.
Bên cạnh đó, nhà trường và phụ huynh nên dần hướng các em đến hình mẫu công dân hoàn thiện cả về tri thức lẫn tâm hồn.
Một số trường chuyên tập trung các ngành khoa học tự nhiên cũng có thể cân nhắc các buổi học ngoài giờ hỗ trợ thêm về một số kiến thức thực tế xã hội cho học sinh.
Chỉ khi học sinh hiểu và nhận thức đúng về hành vi và cách ứng xử của bản thân có thể tác động (thậm chí quyết định) đến sự thành bại của mỗi cá nhân, đến sự phát triển chung của xã hội thì thế hệ trẻ mới dần hình thành nếp nghĩ, lối sống với văn hóa ứng xử phù hợp.
Văn hóa đại chúng
Không chỉ báo chí truyền thông, những ngành văn hóa nghệ thuật mang tính đại chúng cũng góp phần hình thành lối suy nghĩ, tư tưởng của giới trẻ nói riêng và người dân nói chung.
Do đó, nội dung truyền tải trong các ấn phẩm văn hóa đại chúng cần có sự đầu tư và chăm chút về mặt nội dung cũng như hình thức thể hiện trên nền tảng tương ứng.
Một số nghiên cứu bài bản có thể được tiến hành để tìm hiểu thị hiếu và những chủ đề khán/thính/độc giả quan tâm nhằm phát triển những tuyến nội dung phù hợp với cách thể hiện sinh động khi lồng ghép những giá trị nhân văn, đạo đức một cách tinh tế.
Một số tác phẩm kinh điển mang giá trị nhân văn cao cũng có thể được giới thiệu đến với đông đảo công chúng nhằm góp phần nuôi dưỡng tinh thần nhân văn trong mỗi người.
Các chương trình đào tạo và hội nghị giao lưu trong và ngoài nước sẽ giúp chuyên gia có thêm nhiều ý tưởng và cách tiếp cận mới mẻ với những đề tài liên quan đến tinh thần văn hóa.
Hình mẫu xã hội
Một xã hội muốn phát triển bền vững thì người dân cần hiểu rõ cội nguồn văn hóa dân tộc cũng như nền văn hóa và nghệ thuật đương đại. Văn hóa truyền thống cũng là chủ đề hết sức phong phú mà mỗi người dân đều quan tâm.
Tìm về văn hóa, tìm về giá trị cốt lõi sẽ giúp mỗi người thêm hiểu hệ thống giá trị tinh thần, tinh hoa dân tộc, thêm ý thức về mỗi hành động, việc làm của chính mình đến gia đình, nhà trường và xã hội.
Khi những hình mẫu xã hội dần hình thành, sự động viên và khích lệ đến từ nhiều phía sẽ giúp mỗi người dân cùng hướng đến hình mẫu phát triển chung không chỉ về mặt tri thức mà cả về đạo đức.
Từng bước, từng bước, mỗi người sẽ có cơ hội tự hoàn thiện chính mình và xã hội cũng dần tiến lên một tầm cao mới khi chú trọng phát triển đồng đều cả về kinh tế và các giá trị văn hóa – tinh thần.
Bình luận (0)