Vấn đề điều chỉnh Điều 60 Luật BHXH về việc người lao động có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần đã được đặt ra khá nóng bỏng tại kỳ họp Quốc hội lần này. Đây cũng là vấn đề bức xúc đối với công nhân trong thời gian qua...
Không thể chờ tới tuổi hưu
Điều 60 Luật BHXH đã thu hẹp rất lớn các đối tượng có thể nhận trợ cấp BHXH một lần mà thay vào đó là phải chờ đủ thời gian để hưởng lương hưu. Theo lý giải của các nhà làm luật, điều này nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài của người lao động. Còn một số cơ quan BHXH địa phương cũng cho rằng điều này giúp các cơ quan chức năng an tâm hơn với việc bảo tồn quỹ BHXH.
Thế nhưng đối với đa số người lao động hiện nay, quy định trên đã hạn chế quyền lợi BHXH của họ. Bạn đọc Nguyễn Hoàng, phân tích: “Thị trường lao động bây giờ không phải là thời bao cấp, có thể làm việc vài chục năm trong doanh nghiệp nhà nước. Bây giờ chỉ làm việc vài năm thì doanh nghiệp đã cắt hợp đồng để thuê lao động khác trẻ hơn, khỏe hơn và mức lương thấp hơn. Khó có người nào lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp sản xuất có thể làm việc cho đến khi đủ tuổi hưởng hưu hoặc đủ năm tham gia BHXH để hưởng hưu. Như vậy, làm sao chúng tôi chờ nổi để được nhận quyền lợi của mình. Hãy để chúng tôi nhận BHXH một lần sẽ tốt hơn”.
Cùng quan điểm này, nhiều bạn đọc khác cho rằng tiền đóng BHXH là tiền tích lũy của chính người lao động. Các cơ quan quản lý quỹ, xây dựng luật phải căn cứ trên quyền lợi của số đông người lao động chứ không thể cứ lậm vào lý thuyết và quyền lợi của một số ít người thuộc cán bộ, lao động trong các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
“Một lao động 20 tuổi nếu trực tiếp sản xuất trong các doanh nghiệp thì chỉ làm việc được khoảng 10 năm. Nguyên do, sức khỏe không còn bảo đảm và doanh nghiệp không còn trọng dụng. Thử hỏi ở tuổi 30 thì người lao động này chờ bao lâu mời có thể nhận được lương hưu như quy định của Luật BHXH? Mà nếu có chờ được đến khi nhận lương hưu thì đồng lương đó còn mấy giá trị so với cuộc sống ? Đây là tiền chúng tôi tích lũy, luật phải làm sao để chúng tôi không bị thiệt thòi” - bạn đọc Nguyễn Văn Tâm, công nhân Công ty Thiên Hà (TP HCM) yêu cầu.
Hãy vì quyền lợi công nhân
Một vấn đề cốt yếu nhất, ảnh hưởng lớn nhất đến người lao động chính là mức tiền lương căn cứ đóng BHXH quá thấp dẫn đến những quyền lợi liên quan của họ thấp, nhất là tiền lương hưu. Thực tế, hầu hết doanh nghiệp không muốn đóng BHXH trên mức lương cao bởi sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của họ nên mức hưởng của người lao động cũng rất bèo bọt. Ngay cả mức lương hiện nay cũng khó đủ sống chứ nói gì đến mức hưởng hưu sau này.
“Với mức thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, đóng BHXH trên mức lương 2,5 triệu đồng thì dù người lao động có hưởng được mức lương hưu cao nhất cũng chưa đến 2 triệu đồng/tháng. Lao động nhập cư nhà cửa không có, con cái học hành... ai có thể đủ kiên nhẫn chờ đợi bao nhiêu năm để sống với đồng lương hưu này?”- một bạn đọc là giám đốc nhân sự công ty may phân tích.
Nhiều bạn đọc là công nhân cho biết ngay từ khi dự thảo Luật BHXH mới đưa ra vấn để này họ đã có kiến nghị với các cơ quan chức năng. Hệ thống công đoàn cũng đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng những cơ quan liên quan không nghe. “Các vị cứ nói chúng tôi không hiểu gì, không biết nghĩ đến tương lai nên cứ đòi nhận trợ cấp BHXH một lần. Quyền lợi BHXH gắn liền với cuộc sống, với miếng cơm, manh áo của gia đình, con cái chúng tôi mà chúng tôi không hiểu sao? Làm những công việc trực tiếp như chúng tôi thì chưa đến 40 tuổi chúng tôi đã bị đào thải. Trong khi nhà cửa chúng tôi không có, con cái chúng tôi phải gửi về quê cho ông bà chăm sóc, thử hỏi chúng tôi phải làm sao? Tôi tin chắc rằng tất cả những người tham gia quyết định về điều luật trên, khi nghỉ hưu thì mức lương hưu sẽ đủ sống, thậm chí nhiều người còn chẳng cần đến lương hưu. Trong khi chúng tôi thì ngược lại, sống nhờ vào lương hưu trong khi lương hưu thì quá bèo bọt. Vậy chúng tôi phải làm gì đây?” - bạn đọc Lại Công Tâm, công nhân tại TP HCM, thẳng thắn.
Bình luận (0)