xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mạnh dạn xóa hủ tục trong lễ hội

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

Những hình ảnh xấu xí của cá nhân tại lễ hội không chỉ được dùng để phạt nguội mà còn được thông báo về cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học... và cả địa phương cư trú

Những bài viết kèm hình ảnh phản ánh những lễ hội phản cảm tràn ngập trên các báo trong mấy ngày qua khiến ai cũng xót xa, hổ thẹn. Lễ hội đầu năm mới sao lại thế? Một bộ phận người Việt Nam xấu vậy ư?

Vì đâu nên nỗi?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trước hết, theo tôi, về cơ sở tổ chức lễ hội, chúng ta thiếu những quy định cần thiết về trang phục, thái độ, hành vi, trách nhiệm của người trực tiếp tham gia lễ hội. Vẫn còn giữ lại những hủ tục dẫn đến khách thập phương chen lấn, xô đẩy để tranh cướp. Một số nơi tổ chức lễ hội với động cơ trục lợi, thậm chí cổ xúy mê tín dị đoan. Ngoài ra, kế hoạch tổ chức lễ hội chưa chu đáo, thiếu sự phối hợp với cấp ủy - chính quyền - đoàn thể địa phương và ngành chức năng. Tự do bị hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai nên lệch lạc về nhận thức, lệch chuẩn về đạo đức, không chặt chẽ về biện pháp và hậu quả là góp phần đẩy những phản cảm lên đỉnh điểm, gây bức xúc và làm tổn thương đến hình ảnh của địa phương, đất nước.

Về sự quản lý của ngành chức năng, tuy có ban hành những quyết định, thông tư, hướng dẫn việc tổ chức lễ hội nhưng sự kiểm tra, giám sát, xử lý và đặc biệt là phối hợp với địa phương nơi tổ chức lễ hội chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Dường như, việc ban hành các quy định chỉ để… tạo sự an toàn cho nhà quản lý.

Về thái độ và hành vi của người tham gia lễ hội, tuy không phải tất cả người tham gia đều xô lấn, giẫm đạp lên nhau để cướp ấn, cướp lộc nhưng một bộ phận không nhỏ trong số đó chưa có thói quen hành xử chuẩn mực trong lễ hội. Dễ dàng thấy, chỉ những lễ hội phát ấn, phát lộc mới có cảnh hỗn loạn.

Cảnh leo trèo, giẫm đạp lên nhau xông vào nội cung để cướp lộc tại lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) diễn ra ngày 21-2-2016Ảnh: Tuấn Minh
Cảnh leo trèo, giẫm đạp lên nhau xông vào nội cung để cướp lộc tại lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) diễn ra ngày 21-2-2016Ảnh: Tuấn Minh

Cả xã hội cùng vào cuộc

Để có những lễ hội ý nghĩa, trang nghiêm, cao đẹp, trước hết, cần xác định trách nhiệm cụ thể và đi kèm là chế tài mạnh. Tăng cường lực lượng và phương tiện kỹ thuật để giám sát thường xuyên tại lễ hội. Những hình ảnh xấu xí của cá nhân tại lễ hội không chỉ được dùng để phạt nguội mà còn được thông báo về cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học... và cả địa phương cư trú. Lấy đó làm căn cứ đánh giá công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên. Muốn thực hiện nghiêm được điều này, lãnh đạo địa phương, các ngành phải làm gương.

Việc giáo dục về văn hóa lễ hội là hết sức cần thiết, qua đó thay đổi nhận thức, hướng dẫn thực hiện, điều chỉnh hành vi cá nhân. Phải hiểu mọi thành quả mà cá nhân và tổ chức đạt được trên hành trình học tập, sản xuất, kinh doanh... chỉ bằng nỗ lực và năng lực. Đấy là con đường hạnh phúc, bình an, phát triển, thân thiện. Khi những điều đó là hiện thực, chân lý, niềm tin thì chắc chẳng cá nhân, tổ chức nào đi tranh giành để có ấn, lộc làm... “bùa hộ mệnh”.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần mạnh dạn xóa sổ những hủ tục trong các lễ hội (nếu có). Nếu địa phương tổ chức lễ hội không chấp hành thì kiên quyết không cho tổ chức, cố tình sai phạm thì cần có biện pháp hành chính đủ mạnh nhằm răn đe. Việc phát ấn, phát lộc cần thay đổi theo hướng phát triển sự cung kính, nguyện cầu, công sức đóng góp.

Lễ hội phản cảm là kết quả của một loạt nguyên nhân nêu trên. Giải pháp thật ra không khó để xác định nhưng vấn đề đặt ra là: Kế hoạch thực hiện như thế nào? Sự phối hợp ra sao? Giám sát, kiểm tra, xử lý đến đâu? Thói quen hành xử văn hóa trong lễ hội của mỗi cá nhân, tổ chức ở mức độ nào...? Những điều này chỉ có thể thay đổi khi có sự vào cuộc của cả xã hội và hệ thống chính trị.

Nguy hại của hành vi lệch chuẩn

Có thể nói rằng những hành vi như cướp ấn, cướp lộc, vượt tường để được nhanh vào nơi hành lễ trong các lễ hội của chúng ta hình như đã trở thành những hành vi “không thể thiếu”. Điều đáng suy nghĩ là những hành vi lệch chuẩn ấy lại được nhiều người nghĩ là bình thường nhằm mục đích có được lộc thánh, ơn trời.

Một điều hết sức hiển nhiên, dù đời thường hay tôn giáo, không một luật lệ nào cho phép con người tìm kiếm hạnh phúc, bình an, lợi ích cá nhân bằng các phương thức, hành vi ứng xử lệch chuẩn mực. Tất cả phải sống, hành xử theo pháp luật và các chuẩn mực đạo đức xã hội. Khi tự cho những hành vi lệch chuẩn là bình thường trong lễ hội thì người ta cũng sẽ xem chúng là bình thường trong cuộc sống và sẽ ứng xử như vậy khi mưu tìm lợi ích của bản thân. Thế nên, từ chuyện cướp lộc, cướp ấn, vượt tường trong lễ hội đến việc cướp hoa, chen lấn xô đẩy, không chịu xếp hàng trật tự, tranh vượt nhau khi tham gia giao thông… là một đoạn đường rất ngắn.

Vì vậy, cần phải có những biện pháp chấn chỉnh và ngăn chặn những lối ứng xử lệch chuẩn tại lễ hội càng nhanh càng tốt bởi nếu không, chúng ta đã ngầm chấp nhận, ngầm cho phép những suy nghĩ, ứng xử lệch lạc của cá nhân được phép tồn tại trong xã hội. Hệ quả là sau này xã hội sẽ phải chứng kiến nhiều lối suy nghĩ, ứng xử lệch lạc hơn trong đời sống thường ngày do chúng đã được thực hành, “tập luyện” trong các lễ hội và trở thành quán tính trong đời thường.

Lê Minh Tiến

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo