Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ mỗi năm. Thế giới chưa có nước nào nhiều lễ hội như vậy. Những người ủng hộ cho rằng đó là mặt mạnh của du lịch, nét đẹp truyền thống của người Việt. Số phản đối thì bảo đó là vấn nạn văn hóa, thảm họa du lịch. Công bằng mà nói, mỗi bên đều có lý.
Biến tướng lễ hội
Lễ hội bao gồm lễ và hội. Lễ là phần nghi thức gắn liền với các sự kiện văn hóa, tâm linh. Hội là phần vui chơi, thưởng ngoạn gắn liền với lễ. Có khi tách bạch lễ và hội, có khi hòa nhập vào một mà nhiều nơi vẫn dùng từ tiếng Anh là festival. Thật ra, festival là hội chứ không có lễ.
Không biết từ bao giờ, lễ hội ngày càng biến tướng. Nhân danh truyền thống và bảo tồn văn hóa, nhiều lễ hội được nâng cấp tùy tiện, làm mới, tô son trét phấn, khoác áo tâm linh dị hợm. Nhiều lễ hội độc đáo, từng là niềm tự hào, được xưng tụng đã không còn chút bản sắc văn hóa dân tộc. Cảm nhận chung là xô bồ, nhếch nhác và hỗn tạp.
Nhiều lễ hội dã man, trái ngược với sự thân thiện và tinh thần hòa hiếu của người Việt Nam, như lễ hội đâm trâu (Tây Nguyên), chém lợn (Bắc Ninh), treo cổ trâu (Yên Bái)... Nhìn những cảnh tượng hành hạ gia súc man rợ đó, khách du lịch nội địa cũng hoảng sợ, nói chi khách nước ngoài.
Lễ khai ấn, khai bút ở Quảng Ninh diễn ra hoành tráng nhưng chữ trên thành ấn và mặt ấn đều sai chính tả Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Các lễ hội tâm linh trở nên bát nháo. Khai ấn thành cướp ấn. Nạn cướp lộc, cướp phết dẫn đến xô xát, bị thương trở thành chuyện bình thường. Các lễ hội đền chùa khói nhang, vàng mã, đồ cúng phải tính bằng tiền tỉ. Tiền được dúi vào khắp nơi trên các tượng Phật, thần, bệ thờ và cả giếng nước. Nạn cầu “thăng quan tiến chức’’, “trúng dự án’’, “buôn bán trúng mánh’’… hiện diện khắp nơi. Những hành vi này không chỉ xúc phạm tới thần thánh, làm méo mó tôn giáo, tha hóa văn hóa mà còn thể hiện sự khủng hoảng niềm tin và đạo đức xã hội xuống đáy.
Phần lễ trong các lễ hội quá rườm rà, cẩu thả, tùy tiện, nhất là các lễ hội mới. Đa phần các lễ hội có công thức na ná nhau. Phát biểu và kính thưa lê thê, báo cáo dài dòng + Sân khấu khóa + Một chút hội chợ + Một chút ẩm thực và truyền hình trực tiếp. Lễ hội nào cũng hoành tráng về mặt tiền bạc, nghèo nàn về nội dung và cả hình thức. Hiếm có lễ hội nào thành công về mặt du lịch. Có người bảo đó là “chợ phiên’’, là dịp các quan chức và doanh nghiệp nhà nước gặp nhau du hí. Lễ hội, hành hương và tâm linh là ngành kinh doanh béo bở, hình thành các nhóm lợi ích quan hệ chặt chẽ; nạn chặt chém, trấn lột, móc túi, cướp giật khách tham dự… ngày càng đáng báo động.
Còn nhiều điểm sáng
Công bằng mà nói, không phải tất cả lễ hội đều thế. Giữa bức tranh màu xám của lễ hội, vẫn có những điểm sáng tự hào. Lễ hội Đua bò (An Giang) hằng năm vào tháng 10, lần đầu tổ chức vào dịp Tết Đinh Dậu rất náo nhiệt. Trâu thắng, trâu thua đều vui vẻ, năm sau đua tiếp vì chẳng con nào bị giết. Lễ hội Đua ghe ngo, Đua thuyền thúng, Nghinh Ông (các tỉnh phía Nam)… vẫn giữ được bản sắc. Lễ hội Diều (Bà Rịa - Vũng Tàu) được nâng cấp thành liên hoan quốc tế, đang được nhân rộng ở Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế. Lễ hội hoa Tam giác mạch (Hà Giang) mới tổ chức vài năm nhưng khá thành công…
Tôi thích lễ hội mừng ngày giải phóng Đà Nẵng. Với người dân địa phương, chính quyền TP hỗ trợ kinh phí cho từng tổ dân phố (phường) và xóm (xã) để cùng liên hoan, các bếp riêng đều tắt lửa để ăn chung. Với du khách, lễ hội pháo hoa quốc tế, được xã hội hóa, trước thì 2 năm một lần, nay thì hằng năm, công bố trước cả năm để các công ty lữ hành chủ động bán tour và du khách chủ động đăng ký. Đây được xem là lễ hội thành công nhất về mặt du lịch.
Thiết nghĩ, để chấm dứt lễ hội phản cảm, việc đầu tiên phải làm ngay là rà soát lại toàn bộ các lễ hội. Đoạn tuyệt với những lễ hội dã man, buôn thần bán thánh, hỗn loạn về đạo đức; giữ lại những lễ hội thuần Việt và không tự tiện thay đổi nhằm phục vụ ý đồ riêng. Phải xóa bằng được các nhóm lợi ích trong các lễ hội, khuyến khích các lễ hội thúc đẩy du lịch. Lấy du khách và người dân làm chủ thể để tổ chức lễ hội chứ không phải chủ quan của nhà tổ chức, của chính quyền địa phương. Đưa các trò chơi dân gian đúng nghĩa vào lễ hội, nhất là trò chơi của các dân tộc trong dịp Tết cổ truyền.
Ngoài ra, các cấp quản lý lẫn người dân phải thay đổi nhận thức về lễ hội. “Không thể giải quyết những vấn nạn hiện nay bằng tư duy được hình thành cùng với những vấn nạn đó” (Albert Einstein). Phải có tư duy đột phá để lập lại trật tự lễ hội. Lễ hội là nét son, bản sắc văn hóa, có sức hút du khách chứ không phải là vấn nạn, là dịp tra tấn, trấn lột và đuổi khách như hiện nay.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-2
Cần xem xét mở rộng mô hình lễ hội Minh Thề ở Hải Phòng lên cấp cao hơn như huyện, TP, quốc gia. Đây cũng là một trong những cách chống tham nhũng hiệu quả.
Bình luận (0)