Trước tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, UBND TP HCM đã có văn bản thông báo yêu cầu cơ quan BHXH TP HCM phối hợp với Công an thành phố thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp 5841/QCPH-CATP-BHXHTP, xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố một vài đơn vị chậm đóng BHXH hoặc yêu cầu các DN chậm đóng xây dựng kế hoạch cam kết và thực hiện nộp tiền BHXH theo tiến độ.
Thực tế có không ít DN chi trả lương cho người lao động (NLĐ) qua tài khoản ngân hàng và trong bảng lương được lưu giữ cho thấy bộ phận nghiệp vụ đã thực hiện việc khấu trừ các khoản phải nộp nhưng vì nhiều "lý do", phần trích nộp không được thực hiện đầy đủ để nộp cơ quan BHXH, thậm chí bị DN giữ lại.
Đã có không ít DN sau khi bị lập biên bản xử phạt hành chính yêu cầu khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH hoặc bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đã nhanh chóng khắc phục bằng việc chuyển nộp toàn bộ số tiền trốn đóng, chậm nộp. Điều đó đã chứng tỏ một số DN có tâm lý xem thường, "nhờn luật".
Việc chây ì, cố tình trốn đóng BHXH đã đẩy NLĐ vào cảnh khốn cùng khi mọi chế độ BHXH như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí, thất nghiệp không được thụ hưởng, giải quyết đúng hạn, kịp thời. Thậm chí thẻ BHYT cũng bị "khóa" do DN chậm đóng, trốn đóng BHXH...
Đã đến lúc nhà nước cần mạnh tay hơn đối với các hành vi chây ì, chậm đóng, trốn đóng BHXH. Ngoài ra, cần nhanh chóng nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật như "khóa" sử dụng hóa đơn của DN; cấm xuất cảnh đối với chủ DN; đề nghị hải quan dừng làm thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; không cho phép tham gia hoặc hủy các gói thầu đã trúng; công khai thông tin vi phạm pháp luật về BHXH trên phương tiện thông tin đại chúng... Có như vậy mới bảo đảm quyền được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời về chế độ, chính sách của NLĐ, nâng cao niềm tin về chính sách an sinh xã hội.
Với các đơn vị, DN chậm đóng BHXH do thực sự khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, cơ quan BHXH cũng cần linh động, "khoanh vùng" và có biện pháp xử lý, hỗ trợ DN kịp thời như gia hạn, khoanh nợ, giãn nợ, không tính tiền lãi đối với các khoản nợ chậm đóng.
Có kế hoạch, thời gian cho DN lên kế hoạch trả nợ, đóng BHXH. Linh động giải quyết các thủ tục, chế độ, chính sách cho NLĐ trong DN đang gặp khó khăn, gia hạn, mở thẻ BHYT để NLĐ sử dụng chữa bệnh, nhất là các bệnh nan y, hiểm nghèo khi không may bị ốm đau.
Đó cũng là một cách sẻ chia và thấu hiểu của cơ quan BHXH, để DN "cầm cự", vượt qua khó khăn, ổn định trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Bình luận (0)