TS Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng Phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP HCM:
Xử lý có trọng tâm, trọng điểm
Hiện tượng câu view, câu like không phải mới xuất hiện và ngày càng diễn tiến phức tạp. Trong đó, việc tổ chức diễn xuất tung hứng nhằm tạo sự chú ý ở người xem trên nhiều nền tảng mạng xã hội đã trở thành hiện tượng đáng phê phán.
Để quản lý nội dung trên mạng, Phòng Thông tin Điện tử, Sở TTTT đã bố trí đội ngũ nhân sự thường xuyên, trực tiếp theo dõi các dòng chảy thông tin, đặc biệt là những tài khoản mạng xã hội. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát, nắm bắt các diễn biến thông tin dư luận xã hội quan tâm, chia sẻ. Đối với những nhân vật thường hay đóng các đoạn clip phản cảm, về mặt lý thuyết, có thể ngăn chặn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn chính là nâng cao nhận thức, xử lý có trọng tâm, trọng điểm để răn đe.
Thời gian qua, Phòng Thông tin Điện tử cũng đã tăng cường phối hợp với công an các quận huyện, TP Thủ Đức và các phòng nghiệp vụ có liên quan thẩm định, đánh giá và giám định nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự trên không gian mạng. Phòng cũng kịp thời báo cáo lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ TTTT để làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội nước ngoài (Facebook, YouTube, TikTok) để chặn các tài khoản đăng tải thông tin xấu, độc, phản cảm.
Clip xúc phạm tôn giáo, anh hùng liệt sĩ bị cư dân mạng lên án (Ảnh: Phạm Dũng)
Ngoài ra, Sở TTTT cũng thường xuyên và kịp thời tuyên truyền đến người dân thông qua các kênh báo đài, mạng xã hội, thông tin chính thống mà dư luận đang quan tâm để góp phần ngăn chặn những thông tin xấu độc lan truyền sâu rộng, tránh gây hoang mang trong nhân dân. Xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ năng khai thác thông tin và văn hóa ứng xử trên môi trường mạng nhằm góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia môi trường mạng…
Tiến sĩ, đạo diễn Hoàng Duẩn (Phó trưởng Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật- Trường ĐH Văn hóa TP HCM):
Đặt tư duy và đạo đức vào mỗi clip
Những clip có nội dung nhảm nhí, xấu độc lan truyền trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là cho người trẻ. Khi người dùng mạng xã hội tiếp xúc với những nội dung không được thẩm định, mang nội dung tư tưởng sai trái sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, suy nghĩ, hành động.
Vì vậy, khi sản xuất clip, cần phải đặt tư duy và đạo đức vào sản phẩm. Mỗi sản phẩm dù ngắn hay dài, đăng tải ở đâu thì cũng phải có thông điệp rõ ràng, định hướng cho người xem những bài học tích cực. Với những diễn viên tham gia vào các clip này, dù liên quan đến việc mưu sinh nhưng không nên dễ dãi, hời hợt trong khâu lựa chọn kịch bản. Cần phải thẩm định kỹ, biết nói lời từ chối. Bởi một khi đã tham gia thực hiện các clip có nội dung "bẩn" được phát tán trên không gian mạng thì khó thu hồi. Khi đó, diễn viên sẽ nhận những thiệt hại về mình trước.
Cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ TTTT cần có chế tài nghiêm minh hơn để chấn chỉnh tình trạng này. Với các kênh mang nội dung xấu, cần phải đóng kênh để ngăn chặn ngay lập tức. Bên cạnh đó, đội ngũ sản xuất các clip cũng cần được tập huấn bài bản, trau dồi kỹ năng, am hiểu về pháp luật và có kiến thức về quy tắc của cộng đồng nhằm tạo ra những clip có giá trị.
Có chính kiến rõ ràng
Không ít người nhân danh tự do ngôn luận, lấy lý do "nhà tôi, tôi muốn làm gì cũng được" rồi tùy tiện xả "rác" trên không gian mạng, gây chiến, tạo thị phi, đánh bóng tên tuổi...
"Rác" trên mạng đã khiến việc nghe, nhìn của công chúng bị "ngộ độc" nghiêm trọng. Nhiều người trẻ bị ảnh hưởng, bị dẫn dắt, nghĩ rằng chửi, làm trò xấu, dàn dựng clip giả... sẽ nhanh nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền để rồi tâm hồn bị vấy bẩn và hư hỏng.
Cái xấu thường dễ bùng phát, cũng như cỏ dại dễ cắm rễ và sống dai, khó diệt. Tuy nhiên, nếu quyết tâm, làm sớm và bền bỉ, môi trường mạng chắc chắn sẽ sớm quang rạng.
Tôi thường sử dụng mạng xã hội để liên hệ công việc và chia sẻ hình ảnh, góc nhìn cá nhân về lĩnh vực chuyên môn. Tôi xác định các kênh mạng xã hội của mình là kênh công việc, kết nối với gia đình nên không kết bạn tràn lan, cũng không tùy tiện chia sẻ thông tin.
Một hình ảnh được chọn đăng lên "tường nhà", tôi đều cân nhắc, đọc đi đọc lại để tránh gây hiểu nhầm hoặc tổn thương người đọc.
Dù trên cõi mạng, tôi vẫn thực hành "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói", nghĩa là có chính kiến rõ ràng, không vội vàng bày tỏ quan điểm để tạo "sóng". Tôi nghĩ đây cũng là cách ứng xử văn hóa mà ai cũng có thể làm được để cùng chung tay xây dựng môi trường mạng xã hội an toàn, văn minh.
ThS Giáo dục Lê Trường An
Bình luận (0)