Theo dõi diễn đàn “Luật Đất đai: Phải sửa những gì?” trên Báo Người Lao Động trong suốt tuần qua đúng vào thời điểm vụ án Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng - Hải Phòng đang đến hồi kết theo hướng xử lý chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, càng thấy rõ tính cấp bách phải sửa Luật Đất đai.
Các nguyên nhân bất cập về đất đai trong những năm qua do cách hiểu và vận dụng tùy tiện khái niệm sở hữu toàn dân vốn rất mơ hồ. Mấu chốt là vấn đề sở hữu, hạn điền, thời gian giao đất. Chỉ có con đường là đa sở hữu đất đai, công nhận quyền sở hữu tư nhân, sở hữu của tổ chức, sở hữu của Nhà nước, khi phân biệt rõ quyền lợi, trách nhiệm và quyền hạn của các chủ thể thì việc quản lý đất đai sẽ đi vào nề nếp, không còn tình trạng xà xẻo đất công không rõ mục đích hay là bỏ hoang, cha chung không ai khóc.
Sửa Luật Đất đai trước hết phải mang tính hệ thống, cùng chí hướng về phương pháp luận và cách tiếp cận với việc sửa Hiến pháp. Văn phong của luật phải rõ ràng, gãy gọn, dễ hiểu để cả cán bộ thừa hành và người dân không phải suy đoán, dễ áp dụng trong thực tế. Tổng kết kinh nghiệm các bài học trong quá khứ, kể cả ôn lại lịch sử nước nhà và thành tựu của các nước tiên tiến trong việc quản lý đất đai, là việc rất cần thiết.
Nước ta đất chật người đông, việc quy hoạch nông thôn mới hiện nay đụng chạm đến nhiều vấn đề như: hạ tầng cơ sở, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nguồn nhân lực, tài chính… nên việc sử dụng tài nguyên đất và nước sao cho có hiệu quả trong bài toán quản lý hệ thống là việc rất cần thiết. Đất đai đang nóng nhưng theo thời gian và nhận thức của con người, nó sẽ đi vào quỹ đạo chung.
Sâu xa hơn cả lại là vấn đề quản lý sử dụng tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, nguồn nước chính của các con sông như sông Hồng, sông Mê Kông lại phụ thuộc nhiều vào các yếu tố ở thượng lưu. Nước là sự sống. Nói đến đất phải nghĩ ngay đến nước, vì đúng như Bác Hồ đã dạy: Hai tiếng “đất và nước” mới tạo nên Tổ quốc Việt Nam.
Theo AFP, luật đất đai của Trung Quốc cũng quan niệm đất đai là sở hữu toàn dân. Việc trưng thu đất đai một cách tùy tiện, bừa bãi là nguyên nhân chủ yếu gây ra các cuộc xung đột giữa nông dân và chính quyền địa phương, điển hình là vụ việc xảy ra ở làng Ô Khảm - Quảng Đông. |
Bình luận (0)