* Phóng viên: Thưa GS, dự báo năm 2013 sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về đất đai bởi khi ấy kết thúc 20 năm giao đất theo Luật Đất đai 1993. Điều đó được đánh giá ra sao và hướng giải quyết như thế nào?
Trong ảnh: Nuôi cá tra ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: NGỌC TRINH
Theo tôi, cần xóa bỏ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp để người chuyên làm nông nghiệp yên tâm đầu tư lớn, dài hạn, tức là giao đất lâu dài. Khi nông dân đã quyết tâm đầu tư lớn mà hết hạn lại bị thu hồi đất thì coi như đã dồn họ tới bước đường cùng. Pháp luật hiện hành cũng không cho thu hồi đất nông nghiệp vì lý do hết thời hạn. Xóa bỏ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là tạo được động lực mới để phát triển kinh tế nông nghiệp.
* Vậy cần phải sửa đổi Luật Đất đai trên những cơ sở khoa học và nguyên tắc nào?
- Những quy định bất hợp lý chủ yếu của Luật Đất đai hiện hành, tôi đã nêu ra trong bài “Năm bất cập cần sửa gấp” đăng Báo Người Lao Động ngày 9-2. Việc sửa đổi Luật Đất đai cần dựa trên cả 2 cơ sở khoa học và thực tiễn. Những bất cập đã nêu chính là cơ sở thực tiễn. Về cơ sở khoa học, cần dựa vào hệ thống lý luận kinh tế - chính trị học về đất đai phù hợp với cơ chế thị trường đang được vận hành. Điều quan trọng là cần phải thảo luận để đi tới thống nhất những điểm căn bản của hệ thống lý luận này.
Về các nguyên tắc cần bảo đảm trong sửa đổi Luật Đất đai lần này, theo tôi, bao gồm 6 điểm như sau: (1) Phải dựa trên một nền tảng lý luận kinh tế - chính trị học nhất quán, phù hợp với mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN; (2) Bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình đầu tư thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên cơ sở tăng cường năng lực quản lý bằng các công cụ pháp luật, quy hoạch, tài chính và hành chính; (3) Đất đai thực sự trở thành nguồn lực và nguồn vốn đầu tư, khắc phục một bước đáng kể tình trạng tham nhũng trong quản lý đất đai và đầu cơ vượt giới hạn trong sử dụng đất đai; (4) Tiếp thu những kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật của các nước có hoàn cảnh tương tự, thành quả nghiên cứu chính sách của các tổ chức phát triển quốc tế phù hợp với yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế, đưa hệ thống quản lý đất đai hướng tới tính minh bạch cao, trách nhiệm giải trình rõ và động viên được sự tham gia của cộng đồng; (5) Hệ thống phân cấp quản lý phải gắn với hệ thống giám sát, đánh giá việc thực thi pháp luật ở địa phương để tránh tình trạng cát cứ quyền lực nhằm tạo được đồng thuận trong quá trình chuyển dịch đất đai phục vụ đầu tư - phát triển, làm giảm đáng kể tình trạng khiếu nại hành chính về đất đai; (6) Bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả.
* Vấn đề sở hữu đất đai sẽ được xem xét, điều chỉnh ra sao trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai sắp tới đây?
- Pháp luật đất đai của ta hiện có nhiều điểm chưa phù hợp với Hiến pháp. Hiến pháp chỉ quy định cơ chế Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của cá nhân hoặc tổ chức có bồi thường tài sản theo thời giá thị trường khi thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia (điều 23). Quyền sử dụng đất hiện nay là tài sản của dân nhưng Luật Đất đai lại đưa ra cơ chế Nhà nước thu hồi đất mà Hiến pháp không quy định. Hơn nữa, cơ chế này lại áp dụng cho cả các dự án kinh tế vì lợi ích tư nhân của nhà đầu tư.
Điều nhiều người hay nhắc tới là vấn đề sở hữu đất đai do Hiến pháp quy định, khi chưa thông qua Hiến pháp thì sửa Luật Đất đai ra sao? Thật ra, điều quan trọng là Luật Đất đai phải quy định thật cụ thể về quyền của Nhà nước đối với đất đai tới đâu, quyền của người đang giữ đất đối với đất đai tới đâu. Làm tốt được nội dung này thì hình thức sở hữu chỉ còn là tên gọi. Hay nói cách khác, việc sửa Luật Đất đai hãy tập trung vào nội dung quyền sở hữu đất đai, tên gọi sở hữu đó sẽ do Hiến pháp quy định.
Hiện nay, quyền của người sử dụng đất đối với đất đai đã được quy định cụ thể, chỉ còn quyền thu hồi đất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn quá lớn. Việc sửa Luật Đất đai cần tập trung hạn chế quyền này và hãy thay thuật ngữ “Nhà nước thu hồi đất” bằng “Nhà nước trưng mua đất” như Hiến pháp hiện hành quy định. Làm xong chuyện “nội hàm” thì tên gọi của quyền sở hữu đất đai do Hiến pháp quy định chỉ còn là chuyện “ngoại diên”.
Bình luận (0)