xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mệt mỏi vì bị camera nhà hàng xóm giám sát

PHẠM DŨNG - DI LÂM

Dù về mặt hình thức, lắp camera chĩa thẳng vào nhà người khác là xâm phạm đời tư nhưng khó xác định hậu quả; các quy định của pháp luật hành chính và hình sự cũng chưa điều chỉnh đối với hành vi này

Thời gian qua, Báo Người Lao Động nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về việc bị camera nhà hàng xóm chĩa thẳng vào nhà, gây không ít phiền toái.

Mất tự do trong chính nhà mình

Bạn đọc Kim Nguyên (quận 3, TP HCM) gửi về tòa soạn một clip quay lại cuộc tranh cãi ngắn với nhà hàng xóm có nguyên nhân từ chuyện camera mới gắn của họ chĩa qua nhà chị nhưng chủ nhà không có thiện chí giải quyết.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Lê Ngọc H. (ngụ quận 4, TP HCM) phản ánh với báo về việc nhà hàng xóm bị mất một con chó cảnh nên lắp camera giám sát trước cửa nhà. "Nếu là camera an ninh bình thường để phòng chống trộm thì không nói gì, đằng này họ chĩa thẳng camera vào chính diện nhà tôi. Tôi cảm thấy khó chịu vì đi làm về phải đóng cửa kín bưng, mọi sinh hoạt trong chính ngôi nhà của mình dường như lúc nào cũng có người giám sát. Tôi qua nói chuyện, yêu cầu quay camera xuống khoảnh sân của họ nhưng họ tỉnh bơ nói thích để camera như vậy" - anh H. bức xúc.

Mệt mỏi vì bị camera nhà hàng xóm giám sát - Ảnh 1.

Camera chĩa thẳng vào nhà một người dân ở quận 1, TP HCM Ảnh: PHẠM DŨNG

Đem câu chuyện bị camera hàng xóm giám sát chia sẻ lên Facebook, bà Lê Thị N. (ngụ quận 3) được nhiều người đồng cảm. Bà N. ly hôn, sống một mình. Thỉnh thoảng có người bạn lui tới, ở qua đêm thì hàng xóm lại lên mạng cười cợt với những lời lẽ khó chịu. "Tôi sống một mình ở nhà của tôi, muốn dẫn ai về thì đó là quyền của tôi. Vậy mà hàng xóm xem camera xong lên mạng mô tả dáng người cao thấp, lui tới lúc mấy giờ rồi bỡn cợt trên mạng. Tôi yêu cầu họ di chuyển camera qua hướng khác thì họ từ chối, còn thách tôi đi kiện. Không muốn ồn ào nên tôi đành im lặng nhưng thực sự rất bức xúc" - bà N. cho biết.

Ông Phan Văn Hinh (53 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) chia sẻ câu chuyện vì gắn camera đề phòng trộm cắp mà ông bị hàng xóm khiếu nại, công an phường đến nhà lập biên bản, nhắc nhở.

"Để an toàn, tôi lắp đặt 6 camera chống trộm, trong đó có 2 cái trước cửa nhà. Xung quanh nhà cửa san sát, camera có tầm nhìn rộng nên có khi chĩa sang nhà kế bên. Cho rằng tôi có ý định soi mói, xâm phạm quyền riêng tư, hàng xóm làm đơn yêu cầu công an can thiệp. Tôi thấy mình không làm sai vì tôi không cố ý điều khiển camera chĩa sang nhà hàng xóm, cũng không có ý định soi mói hay gây bất lợi cho họ" - ông Hinh cho hay.

Không có cơ sở xử phạt

Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích hiện nay việc lắp đặt camera trở nên khá phổ biến và thực tế đã chứng minh hiệu quả của việc lắp đặt camera an ninh ở mỗi nhà dân, khu phố. Thế nhưng, việc gắn camera quay sang nhà khác nếu nhằm mục đích theo dõi, xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, dù về mặt hình thức là xâm phạm đời tư nhưng khó xác định hậu quả, các quy định của pháp luật hành chính và hình sự cũng chưa điều chỉnh đối với hành vi này. Do đó, các cơ quan chức năng rất khó xử lý và không có cơ sở xử phạt.

"Với những trường hợp cảm thấy mình bị xâm phạm đời sống riêng tư thì có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường nếu có thiệt hại, đồng thời buộc chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, phải chứng minh được là có thiệt hại, bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác" - luật sư Mạch cho biết.

Luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng dùng camera quay hình ảnh gia đình, cá nhân khác khi chưa có sự cho phép, có ý định xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình là hành vi trái pháp luật. Cụ thể, điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý; trừ trường hợp luật có quy định khác. Như vậy, nếu cảm thấy hành vi đó ảnh hưởng đến quyền riêng tư, có quyền yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, buộc chấm dứt việc làm trên hoặc có thể khởi kiện.

"Cơ quan quản lý tại địa phương không có cơ sở xử phạt vì quy định pháp luật về hành chính cũng như hình sự chưa đề cập hành vi trên. Trong khi việc gắn camera ngày càng nhiều và những bức xúc khi bị camera giám sát là có thật, Nghị định 167/2013 (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình) cần bổ sung quy định xử phạt hành vi nêu trên" - luật sư Tuyền nêu ý kiến. 

Thỏa thuận trước khi lắp đặt

Theo thống kê của Công an TP HCM, có hàng trăm vụ cướp giật, trộm cắp truy tìm đối tượng nhanh chóng nhờ camera an ninh đường phố và camera nhà dân ghi hình lại. "Việc lắp đặt camera tiện lợi và hữu ích nhưng để bảo đảm việc lắp camera đúng quy định pháp luật, không ảnh hưởng đến hàng xóm thì trước khi lắp camera, cần phải trao đổi, thỏa thuận với hàng xóm về hướng lắp đặt và điều chỉnh theo hướng khác nếu có yêu cầu" - luật sư Mạch gợi ý.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo