Dư luận bức xúc trước cái chết thương tâm của ông Huỳnh Minh Phúc (44 tuổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Đông Hòa, khi điều khiển xe máy trên Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên thì sụp ổ gà, té ngã tử vong.
Đáng nói, đoạn đường mới đưa vào sử dụng chưa lâu, còn trong thời gian bảo hành đã bị nứt toác, lõm sâu nhiều vị trí, gây mất an toàn giao thông nhưng chậm được khắc phục.
Vì sao đường mới làm đã hư?
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra chết người do xe sụp ổ gà trên Quốc lộ 1 qua thị xã Đông Hòa mà ít nhất đã từng xảy ra vụ tương tự vào ngày 10-12-2018. Vì sao đường mới làm xong đưa vào sử dụng chưa lâu, còn trong thời gian bảo hành lại xuống cấp trầm trọng?
Nguyên tắc xử lý trong xây dựng, thi công không bảo đảm chất lượng phải làm lại cho đạt mới được nghiệm thu. Điều lạ là các công trình kém chất lượng rõ ràng như vậy, sao vẫn lọt cửa nghiệm thu, đưa vào sử dụng?
Công trình làm đường nào theo quy định cũng phải tính đến yêu cầu tối thiểu là tải nặng, lưu lượng xe chạy, hệ số an toàn và phù hợp với điều kiện thời tiết nắng nóng, ngập nước, mưa bão...
Khảo sát thiết kế tuân thủ quy trình, quy phạm chuyên ngành mới được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trước khi khởi công, nhà thầu lập phương án thi công, tư vấn lập đề cương giám sát, kiểm tra máy móc, thiết bị. Vật liệu khi đưa vào sử dụng phải thí nghiệm có kết quả đạt yêu cầu.
Quốc lộ 1 qua thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên hư hỏng nặng Ảnh: HỒNG ÁNH
Quốc lộ thì đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu chất lượng càng phải cao hơn các tuyến đường trong đô thị, liên tỉnh. Hệ thống quản lý chất lượng công trình nước ta hiện nay khá đầy đủ với các quy định pháp lý, quy trình thực hiện với yêu cầu chặt chẽ, vì sao thực tế diễn ra lại khác, không hiệu quả và chất lượng?
Thực tế, nhiều công trình kém chất lượng chưa được xử lý đúng mức đối với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Nguyên nhân đường hư thường được đổ lỗi cho khách quan (như mưa lũ) để né tránh xác định trách nhiệm. Đáng lo ở đây là những kẽ hở, khoảng trống pháp lý bị lợi dụng gây thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, sự cả nể và "thông cảm" giữa chủ đầu tư, giám sát, thi công; nhà thầu thi công chỉ quan tâm công trình sớm hoàn thành để thanh toán chi phí, hạn chế hư hỏng trong thời gian bảo hành (thường là trong 1 năm từ ngày nghiệm thu đưa vào sử dụng). Đó còn là bệnh "làm giả ăn thật", xem thường tính mạng người tham gia giao thông.
Đấu thầu qua mạng
Theo quy định, phải đấu thầu rộng rãi với tất cả gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch hơn, khuyến khích các nhà thầu có năng lực thật sự tham gia dự thầu, góp phần sử dụng hiệu quả vốn nhà nước cũng như hạn chế thất thoát, lãng phí.
Lợi ích đấu thầu qua mạng không chỉ giúp bảo mật hồ sơ thầu, ngăn chặn tình trạng "quân xanh, quân đỏ", tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thiểu các thủ tục.
Tuy nhiên, nhiều nơi chưa áp dụng đấu thầu rộng rãi qua mạng với các lý do như hình thức thực hiện khá mới, đăng tải thông tin lên hệ thống mạng điện tử gặp khó khăn, năng lực cán bộ phụ trách chưa đáp ứng yêu cầu, điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin của các đơn vị ở địa phương còn hạn chế...
Đấu thầu qua mạng là yếu tố quan trọng tạo ra sự cạnh tranh, đem lại hiệu quả, cần bắt buộc tuân thủ khi sử dụng vốn ngân sách, tài sản công. Cần có thêm sự giám sát, cơ chế kiểm tra chéo độc lập.
Ví dụ khâu hậu kiểm hoặc khi có dấu hiệu tiêu cực, ngoài thanh tra chuyên ngành giao thông, cần có sự vào cuộc thường xuyên của thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.
Nên chăng có thêm điều kiện điểm ưu tiên cho những nhà thầu thi công bảo đảm chất lượng công trình, đáp ứng tiến độ, an toàn giao thông, an toàn lao động. Bảo hành công trình tương ứng từng dự án có quy mô lớn như đường cao tốc, quốc lộ có thể kéo dài thời gian và trách nhiệm đối với nhà thầu thi công lên 5 năm.
Những sai phạm ảnh hưởng chất lượng công trình cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với cá nhân, tổ chức có liên quan. Khởi tố hình sự, buộc bồi thường, công khai danh sách nhà thầu vi phạm, xem xét đánh giá về lịch sử không hoàn thành hợp đồng theo quy định để cấm tham gia các dự án khác trong ngành giao thông.
Các thành viên tham gia dự án, công trình phải được phân công cụ thể từng khâu công việc trong quá trình thực hiện, từ chỉ đạo, quản lý và khảo sát thiết kế đến thi công, giám sát, nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Như vậy, khi xảy ra sự cố hay công trình kém chất lượng sẽ xác định được nguyên nhân, lỗi ở đâu gắn với trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân và không thể đổ lỗi cho khách quan.
Đừng xử lý chắp vá!
Với các dự án giao thông mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng, cần khắc phục triệt để, bảo đảm chất lượng, an toàn. Hãy buộc nhà thầu bóc bỏ hết lớp kết cấu mặt đường không đạt để thảm lại, lu lèn đạt độ chặt thiết kế, thực hiện đúng quy trình thi công.
Đừng xử lý chắp vá, thảm nhựa tăng cường, vừa làm xấu đoạn đường, mất an toàn giao thông vừa tạo tiền lệ không tốt.
Bình luận (0)