Đại hội Đảng lần thứ XIII diễn ra đầu năm 2021 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, rất khó dự đoán. Mô hình toàn cầu hóa ưu tiên chi phí thấp, thúc đẩy mạnh xuất nhập khẩu bị thách thức. Đại dịch Covid-19 cho thấy mỗi nền kinh tế cần bảo đảm tự túc về thiết bị y tế, dược phẩm ở mức độ cần thiết. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nền kinh tế số thay đổi đời sống con người, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đòi hỏi nhà nước phải thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc, tạo ra những cơ hội và thách thức to lớn cho nước ta.
Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo
Chậm đổi mới sẽ phải trả giá đắt bằng sự tụt hậu của nền kinh tế, khoa học - công nghệ của đất nước.
Đại hội Đảng lần thứ XIII cần mở ra công cuộc đổi mới lần 2 toàn diện và sâu sắc để tận dụng những cơ hội nêu trên, phát huy mạnh mẽ tiềm năng của dân tộc và đất nước, vượt lên những thách thức kể trên. Hơn bao giờ hết, ổn định không đồng nghĩa với trì trệ, ổn định kinh tế - xã hội chỉ có thể đạt được bằng sự phát triển năng động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong một thế giới hội nhập, vứt bỏ những định kiến lỗi thời.
Theo biểu đồ của Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ người làm trong khu vực công trên dân số của Việt Nam chỉ sau Mỹ và Đức, cao hơn hẳn Nhật Bản và các nước ASEAN
Năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng bắt đầu đổi mới lần 1 với phương châm "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật" đã dũng cảm chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm trong cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, kìm hãm sự phát huy tính năng động, sáng tạo của người dân, lãng phí nguồn lực của đất nước, xác định đường lối cải cách sâu sắc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của đất nước.
Kế tục và phát huy tinh thần đó của Đại hội lần thứ VI, Đại hội Đảng lần thứ XIII cần nghiêm túc đánh giá kết quả thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng lần thứ X (2006) "sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại", với tỉ trọng trong GDP của nông nghiệp chiếm 16%-17%, công nghiệp khoảng 40%-41%, dịch vụ chiếm 42%-43%, tỉ trọng lao động trong tổng lao động xã hội, lao động công nghiệp và dịch vụ là 50%, nông nghiệp là 50%.
Bảng so sánh tỉ trọng cơ cấu GDP trong các ngành kinh tế từ năm 2001 đến 2016 của Tổng cục Thống kê cho thấy tỉ trọng đóng góp của nông nghiệp đã giảm đáng kể, từ trên 23% năm 2001 xuống còn trên 16% năm 2016. Song, tỉ trọng đóng góp của công nghiệp mới chỉ đạt khoảng 33%-34% trong các năm gần đây, thấp xa so với mục tiêu 40% GDP. Trong công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm đến 50% giá trị sản lượng công nghiệp và gần 70% giá trị xuất khẩu, cho thấy rõ vị thế yếu kém của công nghiệp nội địa. Mục tiêu đề ra cho năm 2020 chưa được thực hiện đầy đủ. Rõ ràng, nền kinh tế nước ta đã phát triển dưới tiềm năng, chưa phát huy có hiệu quả tiềm năng về tiền vốn, trí sáng tạo của nhân dân. Tỉ trọng lao động nông nghiệp đã giảm từ trên 63% năm 2001 còn dưới 50% trong giai đoạn 2011-2016, song tỉ trọng lao động trong khu vực dịch vụ còn cao.
So sánh với các nền kinh tế trong nước và khu vực, GDP trên đầu người của Việt Nam mới bằng 1/17 của Singapore và 1/3 của Malaysia, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc của nước ta để rút ngắn khoảng cách này. Cho đến nay, nền kinh tế của nước ta tăng trưởng và thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu do nguồn nhân lực trẻ, khéo tay, thông minh với chi phí lao động thấp và một số ưu đãi về giá thuê đất, miễn giảm thuế. Đến nay, các động lực đó đã được khai thác tới hạn và kinh tế Việt Nam phải chuyển sang tăng trưởng bằng nâng cao hiệu quả, tăng năng suất lao động bằng vận dụng khoa học - công nghệ hiện đại. Đại hội lần thứ XIII phải thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, tái cơ cấu kinh tế, xác định rõ cơ chế, chính sách cho quá trình chuyển đổi này.
Phải tự đổi mới chính mình
Trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XIII đã không nhắc lại quan điểm "kinh tế nhà nước là chủ đạo" mà xác định "kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng", "doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh" và "đẩy mạnh cổ phần hóa"; "Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao".
Trong công cuộc phát triển và hội nhập, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta đã từng bước được nâng lên. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2019 đã nâng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam lên 10 bậc và xếp thứ 67/141 nền kinh tế. Xếp hạng của Việt Nam về môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2019 ở vị trí 69/190 nền kinh tế cũng cho thấy chúng ta không thể tự hài lòng với vị trí này mà cần đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách để nâng cao vị trí của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Lĩnh vực trọng điểm trong công cuộc đổi mới lần 2 này là thể chế, bộ máy quản lý, hay nói khác đi là đã đến lúc chúng ta phải tự đổi mới chính mình. Bộ máy ăn lương từ ngân sách nhà nước trong hệ thống chính trị quá cồng kềnh, trùng lắp ở cả 4 cấp. Ngân hàng Thế giới xếp tỉ lệ người làm trong khu vực công trên dân số của Việt Nam chỉ sau Mỹ và Đức, cao hơn hẳn Nhật Bản và các nước ASEAN.
Vận dụng Chính phủ điện tử và nền kinh tế số hóa, đã đến lúc chúng ta phải cơ cấu lại bộ máy trong hệ thống chính trị, kể cả các tổ chức quần chúng được trợ cấp từ ngân sách nhà nước, giảm số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả của bộ máy này. Nâng cao vai trò giám sát và kiểm soát quyền lực của Quốc hội và các cơ quan dân cử các cấp; được bổ sung và hỗ trợ của các cơ quan báo chí, các tổ chức quần chúng phi lợi nhuận khác là phương thức có hiệu quả để cải cách bộ máy cầm quyền, ngăn chặn các hiện tượng lạm dụng quyền lực.
Bình luận (0)