Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là xây dựng một nhà nước với lý tưởng dân chủ, nhân đạo và công bằng; là nhà nước mà toàn dân cũng như mỗi công dân là chủ thể, hơn nữa là chủ thể cao nhất của quyền lực nhà nước.
Xây dựng, hoàn thiện tổ chức quyền lực nhà nước
Đó là nơi mà tuyên ngôn "mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân" trở thành hiện thực sinh động của đời sống chính trị; là nơi nhà nước, pháp luật thực sự bắt nguồn từ nhân dân, của công dân và phục vụ cho dân; là chế độ nhà nước mà công dân là trung tâm. Mặt khác, đó cũng là chế độ nhà nước được tổ chức văn minh và trật tự, có cơ chế an toàn và hiệu quả, ngăn chặn mọi sự lạm quyền, vi phạm quyền công dân.
Đó là nơi mà mọi mặt tổ chức và hoạt động của nhà nước đều đặt trên cơ sở pháp luật, chịu "sự quản lý thống nhất" của pháp luật. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân hay nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nhân dân thành lập nhà nước bằng phổ thông đầu phiếu. Để có một cuộc bầu cử dân chủ cần trước hết, là lựa chọn ứng viên theo ý dân. Nhưng ý dân không phải rời rạc của từng người, không phải số đông của các ý chí cộng đồng. Đó là sự kết hợp hài hòa, cân nhắc một cách khách quan ý muốn của Đảng (Đảng cử) và ý muốn của dân (dân bầu) theo một thể chế luật định.
Nhân dân trao quyền lực cho nhà nước, trở thành quyền lực nhà nước - trung tâm của quyền lực chính trị, được thực hiện thông qua pháp luật, trước hết là Hiến pháp quy định về tổ chức quyền lực nhà nước, địa vị pháp lý của công dân và mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước với đời sống dân sự.
Các quyền chỉ thuộc về công dân cần được pháp luật ghi nhận, như: trưng cầu ý dân, bãi miễn đại biểu nhân dân, giám sát, khiếu nại tố cáo, khiếu kiện là ghi nhận chúng vào pháp luật, đồng thời với việc ấn định nhà nước có nghĩa vụ tổ chức thực hiện các quyền đó.
Quyền lực thống nhất của nhà nước được bảo đảm bằng hoạt động tư pháp, đặc biệt là xét xử. Xét xử có mục đích cuối cùng là bảo đảm sự tuân theo luật của xã hội và nhà nước. Muốn làm được điều này phải thiết chế các cơ quan bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, xét xử hành vi vi phạm pháp luật làm phương hại đến quyền, tự do, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân từ phía cơ quan hành chính nhà nước và viên chức nhà nước, phải hoàn thiện các cơ quan xét xử tội phạm, vi phạm và giải quyết tranh chấp trong nhân dân. Khắc phục sự "dân dã hóa" tính từ nhân dân trong cụm từ TAND, làm cho tòa án có bộ mặt tương xứng với vị trí xã hội của nó, các thẩm phán "quan tòa" có vị trí tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Quyền lực thống nhất của nhà nước được phân công cho các cơ quan, tổ chức nhà nước để thực hiện 3 quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quyền lập pháp, quyền hành pháp là những thẩm quyền được thực hiện bởi bộ máy hành chính nhà nước và sự kết ước bằng hợp đồng hành chính tạo thành hoạt động công vụ nhà nước, trong đó nền hành chính có vai trò quyết định. Vai trò quyết định ấy được thực hiện tuân theo nguyên tắc pháp lý là: hành chính được quyền hành động để quản lý xã hội nhưng phải lệ thuộc vào pháp luật; hành chính được quyền hành động vì lợi ích công nhưng phải chịu trách nhiệm công vụ khi gây ra thiệt hại tới lợi ích hợp pháp của nhân dân trước quyền lực nhà nước. Nói cách khác, hành chính là hoạt động dưới quyền lực của pháp luật. Còn quyền tư pháp là quyền tài phán bằng hoạt động xét xử theo pháp luật tố tụng của các tòa án. Quyền tư pháp còn được thực hiện bởi các cơ cấu quyền lực bằng hoạt động trực tiếp liên quan đến xét xử.
Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Nam, Bạc Liêu, Cà Mau thảo luận ở tổ về các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Ảnh: TTXVN
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
Quan điểm Đảng ta là Đảng cầm quyền, là điều khẳng định. Sự cầm quyền của Đảng được thực hiện bằng việc đề ra đường lối, chính sách, nắm vững tổ chức và cán bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo; lãnh đạo thông qua tổ chức Đảng chứ không thông qua cá nhân đảng viên; kiểm tra bằng nghị quyết và cho ý kiến chỉ đạo, kiểm tra thực hiện, không điều hành thay nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước là điều kiện bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân, giữ đúng bản chất nhà nước XHCN, đủ hiệu lực quản lý đất nước theo định hướng XHCN.
Trong tình hình hiện nay, cần khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đấu tranh chống lại các luận điệu thù địch, khắc phục những nhận thức, quan điểm mơ hồ, lệch lạc. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước là phải gắn liền và dựa trên cơ sở đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Về nội dung và phương thức lãnh đạo, Đảng lãnh đạo nhà nước là đề ra đường lối, chủ trương, chính sách lớn; chăm lo công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, bố trí cán bộ trong các cơ quan Đảng và nhà nước, kiến nghị và giới thiệu cán bộ với các cơ quan dân cử một cách dân chủ; thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên và làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thuyết phục và động viên quần chúng thực hiện các nghị quyết của Đảng. Đảng lãnh đạo nhà nước xây dựng cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của nhà nước, lãnh đạo việc đổi mới bộ máy nhà nước, thể chế hóa cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của nhà nước, cụ thể hóa chiến lược thành kế hoạch, chính sách, chế độ quản lý nhà nước…
Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận là tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân (điều 9 - Hiến pháp 2013). Đó là chỗ dựa vững chắc cho chính quyền nhân dân, bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và quyền dân chủ của nhân dân. Đồng thời, động viên toàn bộ xã hội, các đoàn thể xã hội tham gia xây dựng chính quyền nhân dân, kiểm tra, giám sát các cơ quan, chức vụ nhà nước trong thực thi quyền lực và công vụ.
Đổi mới thể chế gắn đổi mới sáng tạo
Chiều 10-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ góp ý dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý tập trung vào xây dựng và phát triển con người, chính sách đoàn kết, cơ chế giám sát thúc đẩy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong nêu gương, đi đầu.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quyết tâm chính trị cần xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, có cơ chế giám sát. Đảng lãnh đạo phải bảo đảm tính tiên phong, gồm cả cấp ủy, địa phương tốt, đảng viên nêu gương.
Trước yêu cầu của đổi mới, Thủ tướng nhấn mạnh cần ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Yêu cầu đặt ra là "thể chế, thể chế và thể chế", để đưa đất nước phát triển thì cần phải có chế tài, kiểm điểm đánh giá thực hiện hiệu quả, đánh giá năng lực quản trị như bỏ phiếu tín nhiệm.
Thủ tướng cho biết mục tiêu đặt ra cho năm 2045 và kỷ niệm 100 năm thành lập nước, là trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là điều không đơn giản nếu không có ý chí quyết tâm, sức mạnh đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo Thủ tướng, có thực trạng là nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng kiến phải "ra nước ngoài" vì chưa có chính sách thuận lợi. Phải tháo gỡ để người tài, người giỏi, tâm huyết có thể đóng góp.
Góp ý về nội dung 3 đột phá chiến lược, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) bày tỏ phải thay đổi ở tư duy, cách làm về thể chế. Đề cập đến công tác làm luật, ĐB Trần Hoàng Ngân nói: "Chúng ta đã ban hành nhiều luật sau khi có Hiến pháp nhưng tính ổn định của luật pháp chưa tốt, thường xuyên phải sửa đổi; mặt khác các luật chồng chéo, dẫn đến phải sửa nhiều luật...".
Từ đó, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị phải thay đổi, hình thành các ban soạn thảo luật, tăng ĐB chuyên trách, thu hút các chuyên gia... "Nếu chúng ta giải quyết được bài toán thể chế và luật pháp thì sẽ tạo ra động lực tăng trưởng rất lớn. Dự thảo báo cáo chính trị cần nhấn mạnh lại đột phá về tư duy thể chế" - ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Về đột phá nguồn nhân lực, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị cần giải pháp để lực lượng lao động đang học tập ở nước ngoài về nước; có cơ chế đặc thù để thu hút nhân tài trong doanh nghiệp, trong bộ máy quản lý nhà nước...
ĐB Tô Thị Bích Châu (TP HCM) bày tỏ tâm đắc cơ chế để bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
V.Duẩn - M.Chiến
Bình luận (0)