"Phố đi bộ" được hiểu đơn giản là con phố hoàn toàn dành cho việc đi bộ cả ở lòng đường và vỉa hè, không có phương tiện cơ giới lưu thông. Có thể là phố đi bộ chỉ vào cuối tuần hay dịp lễ hội, cũng có thể toàn bộ thời gian, tùy vào tính chất của con đường, khu vực ấy cũng như mức độ tham gia của cộng đồng để có thể quy hoạch đường nào thành phố đi bộ như thế nào. Cũng có thể một khu vực có nhiều phố đi bộ nối liền về không gian và liên kết với nhau về chức năng, nhằm tăng cường thêm không gian văn hóa - kinh tế, tăng thêm cơ hội hưởng thụ lợi ích vật chất, tinh thần cho cộng đồng.
Phố đi bộ phải thân thiện với người đi bộ
Ở nhiều đô thị, khu vực trung tâm là nơi tập trung số lượng và mật độ cao người đi bộ do tính chất thương mại, dịch vụ và du lịch, tập trung nhiều công trình lịch sử - di sản, nơi thường xuyên tổ chức những sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Khi giao thông công cộng phát triển thì trung tâm cũng là đầu mối các tuyến giao thông và các phương tiện xe buýt, metro... làm tăng cường đồng thời phát huy thêm chức năng đi bộ của khu vực này.
Khu vực trung tâm TP HCM với các con đường Đồng Khởi (đoạn từ nhà thờ Đức Bà đến Nhà hát TP) - Nguyễn Huệ - Lê Lợi - khu vực chợ Bến Thành từ xưa đã là nơi thường xuyên tập trung lượng người đi bộ trên vỉa hè rất lớn. Trước đây, dải phân cách trên đường Lê Lợi dành cho việc gửi/giữ xe máy; đường Nguyễn Huệ chỉ cho phương tiện cơ giới lưu thông hai bên, dải phân cách là bồn cỏ, trồng cây tán thấp, còn đường giữa rộng nhất hoàn toàn dành cho người đi bộ với những ki-ốt bán hoa tươi, bưu ảnh báo chí, đồ lưu niệm... Có thể nhận thấy lúc đó các con đường kể trên được thiết kế khá thân thiện với người đi bộ: vỉa hè rộng rãi, bằng phẳng, sạch sẽ, nhiều cây xanh, các công trình có mái hiên rộng, có khoảng nghỉ chân như công viên nhỏ, hàng quán bày bán (trật tự) trên vỉa hè, những cửa hàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi tầng lớp cư dân, "hành lang" Eden nối đường Nguyễn Huệ với đường Đồng Khởi tạo ra không gian công cộng trong lòng công trình cao tầng...
Hiện nay, TP HCM dự kiến tạo lập và mở rộng thêm phố đi bộ như những không gian văn hóa công cộng, như đường Nguyễn Huệ, Bùi Viện, phố chợ đêm Bến Thành (quận 1) hay chợ đêm Kỳ Hòa, khu vực kỳ đài Quang Trung (quận 10), sẽ thêm có khu vực hồ Con Rùa và đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3). Tuy nhiên, những phố/khu vực đi bộ đã có chưa thực sự đúng tính chất và chưa phát huy hết nội lực của nó. Những con đường ở khu vực này vẫn là tuyến giao thông chính có mật độ xe máy, ôtô rất cao, chưa kể có thêm nhiều công sở và khách sạn, chung cư cao tầng làm cho lượng người và xe ra vào ngày càng đông.
Công viên Lam Sơn trên đường Đồng Khởi không thuận tiện là nơi nghỉ chân của người đi bộ như trước kia, đường Nguyễn Huệ to rộng nhưng không có các hoạt động văn hóa và kinh tế của cộng đồng, những công trình cao tầng trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi thiết kế chưa thân thiện với con người và môi trường. "Phố Tây" Bùi Viện thuận tiện cho người đi bộ vào ban đêm nhưng ban ngày việc hạn chế xe máy, ôtô khó khăn, do nơi này là khu cư trú có mật độ cao. Các con đường làm khu chợ đêm mua sắm, ẩm thực chỉ hấp dẫn một thời gian ngắn vì không duy trì được sự phong phú, đa dạng cũng như chất lượng, giá cả hàng hóa.
Người dân vui chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nên chọn con đường nào làm phố đi bộ?
Từ góc nhìn văn hóa - xã hội, để có thể phát triển những phố đi bộ, cần lưu ý đặc tính của loại hình không gian công cộng này và thực trạng giao thông ở TP HCM.
Thứ nhất, chọn con đường có tiềm năng về văn hóa, kinh tế để thu hút du khách trong và ngoài nước: cảnh quan tự nhiên và nhân văn độc đáo, cây xanh, vỉa hè rộng thoáng, công trình di sản, thường xuyên có hoạt động văn hóa như âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật hoặc chuyên doanh thời trang, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ... Những con đường nhỏ ở quận 1, quận 3 như Trần Cao Vân, Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần (đoạn quanh hồ Con Rùa), Nguyễn Văn Chiêm, Alexandre De Rhodes, Hàn Thuyên có thể trở thành khu vực "phố đi bộ" vì có thể đáp ứng các điều kiện trên.
Thứ hai, phố đi bộ được dành hoàn toàn cả lòng và lề đường cho người đi bộ nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến giao thông đô thị cũng như người cư trú trong khu vực đó; đồng thời, gần kề đầu mối giao thông lớn như ga metro, tuyến xe buýt hoặc là những nơi gửi xe cá nhân; tạo môi trường tốt và an toàn, an ninh cho người đi bộ. Các đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Lai, chợ Bến Thành... là khu vực có ga metro trung tâm, đầu mối các tuyến xe buýt, vì vậy nhu cầu và mật độ người đi bộ ở đây sẽ rất cao. Tương lai nhà ga ngầm từ chợ Bến Thành đến Nhà hát TP sẽ giải quyết một phần lớn lượng người đi bộ ở khu vực này.
Thứ ba, phố đi bộ không thể tồn tại nếu không có sự phối hợp chức năng của chính quyền và vai trò của cộng đồng: chính quyền tổ chức tốt và có giải pháp duy trì hiệu quả các hoạt động kinh tế, văn hóa; chủ thể thực hiện, tham gia các hoạt động đó là cộng đồng dân cư đô thị và du khách. Đường Nguyễn Văn Bình bên hông nhà thờ Đức Bà và Bưu điện TP là một mô hình thành công của sự phối hợp này. Đường sách là loại hình chuyên doanh "phố sách", từ đó thành "phố đi bộ" từ 5 năm nay, mang lại hiệu quả tốt và là một thương hiệu văn hóa của TP.
Tuy nhiên, khó khăn lớn trước mắt là giải quyết nhu cầu gửi, đậu xe quanh khu vực đi bộ, vì hiện nay mạng lưới giao thông công cộng của TP chưa phát triển, người dân còn sử dụng phương tiện cá nhân là chủ yếu. Có thể quy hoạch một phần vỉa hè các con đường tiếp giáp khu vực đi bộ làm nơi đậu, gửi xe. Thiết lập phố đi bộ cần theo từng giai đoạn (như Hà Nội đã thực hiện vài năm nay), đồng thời gia tăng sự phong phú và chất lượng của các hoạt động dịch vụ, văn hóa tại đây.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-12
Bình luận (0)