Phát triển nông nghiệp biển ngoài việc quan tâm đánh bắt hải sản xa bờ cần khuyến khích người dân sản xuất, nuôi trồng các sinh vật biển - các loại rong, tảo biển ven bờ. Tức là hướng ngư dân định canh ven biển để trở thành một nông dân biển thực thụ.
Để phát triển kinh tế về phía biển, nhất thiết phải phổ cập thường xuyên kiến thức về nuôi trồng trên biển cho ngư dân ven bờ, cung cấp giống và kỹ thuật nuôi cấy rong, tảo cho ngư dân. Hiện nay, chúng ta đã nuôi trồng được rong sụn, rong câu ở Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên... nhưng nếu so với một quốc gia biển như chúng ta thì vẫn chưa xứng tầm và lãng phí tiềm năng. Hơn nữa, khi những vườn rong, tảo phủ khắp thì sinh thái biển ven bờ sẽ phục hồi vì nó hấp dẫn các loài tôm cá đến sinh sống.
Biển của chúng ta có trên 660 loài rong biển và 25.000 loài tảo biển, được chia ra các lớp tảo lục, tảo đỏ, tảo nâu... Hãy đưa kiến thức đến ngư dân cùng với kỹ thuật và giống các loài rong, tảo đã được phân lập ở các viện, hướng dẫn ngư dân nuôi trồng. Cùng với việc nuôi tảo dưới biển kết hợp với việc gieo trồng các loại rong và xuất bán để người dân có thu nhập. Rong, tảo biển có nhiều công dụng thực tế và đó là bài toán kinh tế giúp người dân miền biển thoát nghèo vì chi phí nuôi trồng rong, tảo thấp, kỹ thuật đơn giản; đồng thời là điểm tựa vững chắc để hệ sinh thái ven bờ phát triển. Việc nuôi tảo ven bờ với quy mô lớn có thể lập các khu nghỉ dưỡng vì khi tảo quang hợp sẽ tạo ra một lượng lớn ôxy thải vào khí quyển.
Bình luận (0)