Những ngày cuối tháng 7-2019, khi chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đang tiếp diễn ở nhiều tỉnh, thành duyên hải, chúng tôi đã trở lại Bạc Liêu và Cà Mau lắng nghe tâm sự, nỗi lòng của ngư dân và lãnh đạo ở 2 địa phương đầu tiên mà chương trình phát động.
Ý nghĩa đặc biệt
Gần 2 tháng nay, ông Dương Hữu Thuận (ngụ phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), chủ 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, cứ thấy bồn chồn. Ông trông ngóng 2 tàu cá đánh bắt ngoài khơi quay về để tự tay treo lên những lá cờ do chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" trao tặng.
"Hơn 30 năm bám biển mưu sinh, tôi luôn coi cờ Tổ quốc là linh hồn của chiếc tàu. Vì thế, không lúc nào ra khơi mà tôi để tàu thiếu cờ. Lần này, với tôi và các ngư dân, những lá cờ trong chuyến đi biển sắp tới có ý nghĩa rất đặc biệt. Những lá cờ mà chương trình trao tặng là món quà tinh thần vô giá. Bởi lẽ, chúng tôi cảm nhận được trong từng lá cờ ấy là tình cảm, niềm tin, là sự kỳ vọng của người dân và các tổ chức, đơn vị cả nước gửi gắm" - người dành cả đời theo nghiệp đánh bắt trên biển thổ lộ.
Ông Thuận mở tủ lấy xấp cờ Tổ quốc được xếp ngay ngắn cùng túi sơ cứu y tế mà ông nhận từ chương trình trước đó 2 tháng, mang ra 2 chiếc tàu vừa kết thúc chuyến đánh bắt dài ngày trở về. Ông tự tay gỡ những lá cờ đã bạc màu rồi treo lên lá cờ mới. "Tôi tin với lòng yêu nước, tự hào dân tộc cùng tình yêu biển cả, những người bạn tàu của tôi sẽ phần nào vơi đi mệt nhọc, được tiếp thêm sức mạnh, dũng khí khi nhìn thấy những lá cờ đỏ thắm tung bay trên mũi tàu giữa trùng khơi" - ông xúc động.
Mỗi chuyến ra khơi, những chiếc tàu của ông Thuận cùng các ngư dân lênh đênh giữa biển cả 3 tháng mới quay về bờ nghỉ ngơi, chờ thay lưới. "Khi tôi nhận cờ tại buổi lễ phát động hôm 1-6 vừa qua cũng là lúc tàu đã ra khơi hơn 1 tháng nên không kịp treo. Tôi xếp gọn cờ, cất vào tủ chờ tàu về. Cũng có lúc nôn nao, tôi định gửi cờ theo tàu hậu cần ra cho các ngư dân treo nhưng lại sợ người ta không cẩn thận làm mất" - ông tâm sự.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao cờ Tổ quốc cho các ngư dân Bạc Liêu vào ngày 1-6-2019. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tiếp thêm động lực
Ông Nguyễn Văn Định (ngụ xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), một trong những người đại diện hàng ngàn ngư dân Cà Mau nhận cờ Tổ quốc từ những ngày đầu tiên phát động chương trình, xúc động: "Cầm trên tay những lá cờ Tổ quốc, tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp, sự quan tâm của xã hội dành cho ngư dân chúng tôi thật lớn lao. Cả đời làm ngư dân, đôi lúc tôi tính chuyện buông bỏ để kiếm việc khác vì nghề này vô cùng nghiệt ngã, ngư trường ngày càng cạn kiệt, hiểm nguy. Nhưng giờ đây, tôi không còn suy nghĩ đó nữa bởi cảm nhận được Tổ quốc đang cần chúng tôi và cả xã hội xem trọng chúng tôi".
Ông Định cho biết tàu của ông vừa ra khơi hơn 10 ngày, mang theo những lá cờ Tổ quốc thiêng liêng từ chương trình đầy ý nghĩa của Báo Người Lao Động. "Những lá cờ tung bay trên tàu sẽ tiếp thêm động lực cho anh em ngư dân và tôi hy vọng sẽ có một chuyến biển bội thu" - ông bày tỏ.
Đại diện ngư dân Bạc Liêu nhận cờ tại lễ phát động chương trình vừa qua, ông Nguyễn Văn Triệu (ở phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) là một trong những người có đội tàu khai thác thủy sản lớn nhất tỉnh. Ngoài 10 chiếc tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 400 CV, ông còn đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá tải trọng hơn 60 tấn.
Gần cả đời theo nghiệp đánh cá, điều khiến ông Triệu trăn trở nhất lúc này là nhuệ khí của ngư dân có phần giảm sút. Theo ông, nghề biển rất vất vả, mỗi chuyến đi phải lênh đênh suốt 3 tháng nên lao động ngày càng khan hiếm. Nhiều người đi một chuyến về là không còn muốn đi nữa. Ông phải kiên trì thuyết phục để những người lành nghề chịu theo tàu.
"Mỗi chuyến đi, một tàu ít nhất phải có 11 ngư dân và 1 thuyền trưởng, thiếu 1-2 người là không thể ra khơi. Từ khi có chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", tôi thấy dễ nói chuyện với họ hơn và họ cũng cảm nhận được vai trò của ngư dân với ngư trường, với biển đảo quê hương nên tinh thần rất phấn chấn. Chuyến biển vừa qua, tôi treo cờ Tổ quốc của chương trình lên từng chiếc tàu kèm theo lời khích lệ: "Nghề của mình đâu còn là nghề hạ bạc nữa. Chúng ta ngoài việc mưu sinh còn có trọng trách giữ gìn biển đảo quê hương. Người dân cả nước luôn hướng về và kỳ vọng nhiều ở chúng ta. Vậy là ai cũng vui vẻ lên đường" - ông Triệu thuật lại.
Là người gắn bó với đội tàu của ông Triệu gần 40 năm, ở tuổi 68, thuyền trưởng Phan Văn Sang (ở phường Nhà Mát) vẫn lưu luyến với nghề. Ông cho biết chương trình càng thôi thúc ông gắn bó với nghề hơn. "Vợ con, anh em ai cũng khuyên tôi giải nghệ vì tuổi tác không còn phù hợp với công việc nữa. Có lúc tôi cũng nghĩ tới chuyện nghỉ ngơi nhưng sau chương trình này, tôi quyết định theo nghề cho tới khi nào không cầm nổi vô-lăng mới thôi" - ông Sang bộc bạch.
Ông THÂN ĐỨC HƯỞNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:
Góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" là một sáng kiến rất quan trọng, có ý nghĩa lớn lao, thể hiện lòng trân trọng và tình cảm sâu sắc của mỗi công dân đối với lá cờ Tổ quốc. Chương trình cũng mang tình cảm ấm áp của người dân ở đất liền gửi đến những ngư dân đang ngày đêm ra khơi bám biển. Những lá cờ đỏ sao vàng trên mỗi con tàu là linh hồn của Tổ quốc, là biểu tượng của ý chí và nghị lực; thể hiện sâu sắc lời thề của những ngư dân luôn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thực hiện sứ mệnh cao cả: Nỗ lực lao động làm giàu từ biển, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông VƯƠNG PHƯƠNG NAM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu:
Một chương trình tuyệt vời!
Báo Người Lao Động đã khởi xướng một chương trình rất tuyệt vời, ý nghĩa, góp phần tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Tôi thay mặt ngư dân Bạc Liêu cảm ơn những người làm chương trình, các tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp để mang món quà ý nghĩa này đến với ngư dân. Tôi đề nghị các đơn vị, địa phương trao cờ, hướng dẫn ngư dân treo trang nghiêm, bảo quản cờ để sử dụng lâu dài. Đồng thời, tuyên truyền cho ngư dân nhận thức được ý nghĩa thiết thực của việc treo cờ Tổ quốc gắn liền với ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Anh ngư dân xin cờ Tổ quốc
Trong chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" tổ chức tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hôm 20-7, có một câu chuyện khiến chúng tôi hết sức xúc động. Khi ban tổ chức đang trao cờ cho những ngư dân Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, anh Thanh - một người không có tên trong danh sách - đã đến xin lá cờ Tổ quốc để treo trên tàu của mình cùng vài tờ Báo Người Lao Động để "cập nhật tình hình thời sự".
Anh Thanh nhận lá cờ Tổ quốc từ chương trình. Ảnh: TỬ TRỰC
Nhận cờ Tổ quốc và những tờ Báo Người Lao Động, anh Thanh đã tặng lại chúng tôi một túi mực mà ngư dân trên tàu của anh vừa đánh bắt được. Thấy chúng tôi ngại ngần, anh Thanh bày tỏ: "Các anh trao cờ Tổ quốc cho ngư dân là thể hiện tinh thần trách nhiệm, mang sự ấm áp đến bà con. Chúng tôi không còn cảm thấy lẻ loi trên biển nữa".
Chia tay người dân huyện đảo Lý Sơn, chúng tôi không khỏi trăn trở bởi vẫn còn rất nhiều ngư dân mong mỏi có những lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc tàu của họ khi vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước.
T.Trực
Bình luận (0)