Chị Huỳnh Tiểu Hương (Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Quê Hương, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nơi đang cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi tàn tật) từng đạt danh hiệu: "Người phụ nữ làm rung động trái tim Việt Nam" nhưng giờ đây chị đang mệt mỏi đến mức "chỉ muốn thoát cõi đời này".
Làm từ thiện bằng… lời hứa
"Bây giờ tôi bị mang tiếng là lừa đảo. Người ta bảo rằng cứ gặp Tiểu Hương là phải cẩn thận" - chị Tiểu Hương bật khóc.
Nguồn cơn bắt đầu từ việc thời gian qua có nhiều người tự xưng là "đại gia" hứa tặng cho trung tâm của chị số tiền lớn từ vài trăm triệu đến hàng trăm tỉ đồng. Những tuyên bố hùng hồn ấy được công bố trước mặt chị tại các buổi lễ hoặc trên báo chí. Chị tin, người dân tin. Thế nhưng cuối cùng, đó chỉ là lời hứa suông, chiêu đánh bóng tên tuổi. Trung tâm không nhận được đồng nào từ những lời tuyên bố ấy. "Nữ đại gia L. ở Hà Tĩnh hứa cho trung tâm nhiều tiền; ông A. ở Công ty P.T.N.T hứa cho trung tâm 800 tỉ đồng; Công ty A.T.N hứa cho 75 tỉ đồng; Công ty B.D hứa cho mỗi tháng 100 triệu đồng… nhưng tất cả chỉ là lời hứa".
Éo le ở chỗ nhiều người dân nghèo, nhất là những người khuyết tật, mắc bệnh nan y tìm đến trung tâm xin tiền vì nghĩ trung tâm được cho hàng trăm tỉ đồng thì sẽ chia sẻ, giúp đỡ. Họ đến nhưng không được gì nên đâm ra bực tức, chửi thậm tệ đến mức chị Hương phải lánh đi.
Chị Lê Hồng, một người gắn bó nhiều năm liền với công tác từ thiện ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết những năm trước, nhóm của chị liên tục phải bù vào số tiền vài trăm triệu đồng cho những lần "hứa cho vui" của một số nhà từ thiện. Họ hứa sẽ giúp đỡ trường hợp này, trường hợp kia và nhờ ứng trước. Sau khi tiền đã được gửi cho người nghèo thì các mạnh thường quân cũng… lờ luôn. Sau này chị rút kinh nghiệm, những ai chuyển tiền rồi mới lên danh sách.
Một cán bộ trong Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết có những doanh nghiệp làm từ thiện với số tiền lớn không muốn nhắc tên họ lên báo nhưng có những người lại muốn ban tổ chức phải bố trí nơi ăn nghỉ sang trọng và phải liên tục nhắc tên trong chương trình. "Những tấm lòng từ thiện giúp đỡ người nghèo rất đáng trân trọng nhưng chúng tôi cũng thấy có nhiều người lợi dụng từ thiện để quảng bá, đánh bóng bản thân, coi việc làm từ thiện là bàn đạp cho mục đích riêng" - vị cán bộ này nói.
Trung tâm Nhân đạo Quê Hương nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Ảnh: Như Phú
Mượn danh để trục lợi
Tại tỉnh Đồng Nai mới đây xảy ra vụ Công ty Đ.P (chuyên tổ chức sự kiện, có trụ sở tại TP HCM) ký hợp đồng hợp tác với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai để tổ chức vận động các đơn vị quyên góp, hỗ trợ làm từ thiện. Trong đó, công ty ra điều khoản thực hiện tất cả các công đoạn tổ chức, khai thác, hội chỉ việc đứng tên chủ trì và… lấy danh để gửi thư ngỏ. Theo điều khoản được đưa ra, "lợi nhuận" được gửi lại hội 30%, còn lại 70% thuộc… công ty.
Tuy nhiên, không chỉ hưởng lợi lớn, công ty này còn dùng thư ngỏ để khai thác tất cả các nơi vốn là cấp cơ sở, các điểm từ thiện vốn tổ chức làm từ thiện cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai. Nhận thấy việc làm vi phạm hợp đồng, chỉ mượn danh để kiếm lợi không chính đáng, hội đã ngưng hợp đồng và báo vụ việc cho cơ quan công an.
"Thực tế, xưa nay chúng tôi không mặn mà trong việc hợp tác với các công ty, đơn vị khai thác làm từ thiện như vậy. Chúng tôi chỉ vận động từ thiện theo đúng tính chính danh của nó. Từ thiện là từ thiện, kinh doanh là kinh doanh. Thực tế việc làm từ thiện để trục lợi hiện nay nhiều nơi nở rộ, các quy định, quy chế chưa kiểm soát được…" - ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai, chia sẻ.
Để minh bạch hóa công tác từ thiện, theo bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cần có chương trình bài bản với nguồn quỹ và tài khoản chính danh. "Ai chuyển khoản vô tài khoản chính danh, công khai xét thấy cần trao bảng để tuyên dương khuyến khích thì mới trao" - bà Hằng nói.
Còn theo bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Dương, phải chọn lọc đối tượng để kêu gọi từ thiện. Khi kêu gọi, chỉ nên gửi thư những đơn vị có khả năng ủng hộ, cứu trợ. Không nên phát động tràn lan, không để tình trạng trao bảng (ghi số tiền sẽ tài trợ lên tấm bảng rồi trao ở chương trình - PV) rồi hứa hẹn chuyển tiền sau. Những trung tâm, đơn vị tự tổ chức sự kiện, tự kêu gọi ủng hộ mà không thông qua cơ quan chức năng thì khi xảy ra chuyện "hứa hảo", cơ quan chức năng rất khó can thiệp.
Có thể kiện
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP HCM) chia sẻ thực tế không ít doanh nghiệp làm từ thiện để quảng bá hình ảnh. Họ đặt điều kiện phải được truyền thông mới làm từ thiện.
Trường hợp doanh nghiệp hứa tặng tiền cho một đơn vị để phát triển một dự án thiện nguyện và việc này được truyền thông ghi âm, ghi hình hoặc tuyên bố công khai. Nếu doanh nghiệp không thực hiện khiến dự án thiện nguyện bị ngưng trệ hoặc thiệt hại, đơn vị được hứa tặng có thể khởi kiện đòi bồi thường.
"Tuy nhiên, thực tế việc kiện đòi bồi thường là vấn đề nan giải bởi doanh nghiệp làm từ thiện có thể đổ lỗi do làm ăn thua lỗ. Hơn nữa, đã là tổ chức thiện nguyện thì ít khi nào đi kiện để đòi tiền. Do vậy đã làm từ thiện thì phải làm với cả trái tim" - luật sư Tuấn chia sẻ.
Bình luận (0)