Bộ Công an ngày 7-11 đã tổ chức họp báo để giải đáp việc đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết 112 của Chính phủ. Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, đã có nhiều cách hiểu chưa chính xác về việc bỏ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND). Việc bỏ hộ khẩu là để thay thế vào đó hình thức quản lý mới, hiện đại hơn bằng công nghệ thông tin, trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; còn CMND được thay thế bằng thẻ căn cước công dân (CCCD).
Không bỏ quản lý con người
Ông Trần Văn Vệ cho biết hiện nay, quản lý dân cư ở Việt Nam do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện song chủ yếu theo hình thức thủ công. Khi tiến hành các thủ tục hành chính, công dân phải cung cấp nhiều loại giấy tờ nên cảm thấy phiền hà. Vì vậy, Chính phủ phê duyệt đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính về quản lý dân cư.
Các thủ tục hộ tịch thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi khi bỏ sổ hộ khẩu
Quốc hội đã ban hành luật và giao Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an đang triển khai, dự kiến đầu năm 2020 sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi đưa vào vận hành khai thác, Bộ Công an sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu như hiện nay.
"Bỏ phương thức quản lý hộ khẩu bằng giấy chuyển sang quản lý bằng công nghệ thông tin. Không thể bỏ việc quản lý con người, quản lý cư trú được. Không có nước nào trên thế giới bỏ quản lý con người cả" - ông Vệ khẳng định. Theo ông, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm 15 trường thông tin cơ bản của công dân mà chuyên ngành nào cũng cần sử dụng. Cơ quan quản lý sẽ cấp cho mỗi công dân một số định danh không lặp lại ở người khác để giao dịch với bất cứ cơ quan nào và không phải mang các loại giấy tờ như hiện nay.
Sau khi Nghị quyết 112 ban hành, nhiều người dân lo ngại CMND sẽ bị bãi bỏ, gây xáo trộn trong đời sống. Tuy nhiên, ông Vệ khẳng định CMND hiện nay vẫn nguyên giá trị. Thông tin bỏ CMND là chưa chính xác, mà tiến tới thay thế bằng thẻ CCCD. CMND là giấy tờ tùy thân của mỗi công dân, nếu ra đường không mang theo thì trong trường hợp xảy ra sự cố hay có giao dịch thì sẽ không xác định được công dân đó là ai.
Đơn giản hóa 1.267 thủ tục
Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết hiện nay, trong 1.934 thủ tục hành chính thì các bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa 1.267 thủ tục. Trong đó, đề xuất bỏ 34 thủ tục, đơn giản hóa 28 thủ tục, sửa đổi 182 mẫu đơn, đơn giản hóa 122 mẫu.
Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về việc khi bỏ sổ hộ khẩu thì cần sửa đổi, bổ sung một số luật cho phù hợp. Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết bộ đã tham mưu, đề xuất sửa đổi Luật Cư trú và Luật Sửa đổi - Bổ sung Luật Cư trú, 7 nghị định và 5 thông tư liên tịch, 18 thông tư và 1 nghị quyết của Bộ Công an.
Cùng ngày, TS Nguyễn Ngọc Kỷ (nguyên cán bộ Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật - Bộ Công an), chuyên gia về thẻ CCCD, cho biết ông lo ngại về tiến độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào năm 2020. Theo ông, với hơn 90 triệu dân thì việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu với 15 trường thông tin trong 3 năm là rất khó.
Mừng nhưng vẫn lo
Phản hồi trên Báo Người Lao Động, bạn Nguyen Kim Hoàng (congtysrc@gmail.com) bày tỏ: "Tôi lo ngại sẽ "mọc" ra sổ khác tương tự sổ hộ khẩu và lại bị hành tiếp. Vì từ lâu, nhiều thứ định mức như điện, nước phải dựa vào sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Ngành điện, nước không bao giờ bỏ định mức! Rồi đi học phải đúng tuyến (bậc mầm non, tiểu học). Vừa rồi, dù số lượng người đăng ký cấp CCCD chưa đông nhưng vẫn xảy ra chuyện "hết phôi căn cước" khiến nhiều người phải chờ suốt nhiều tháng, cuộc sống đảo lộn vì không giao dịch được với ngân hàng, làm giấy tờ nhà... Bãi bỏ thì mừng nhưng khâu tổ chức thực hiện thì gian truân lắm, kinh nghiệm cho thấy rồi...".
Bạn Ngo Nguyen (dinhngo54@gmail.com) hỏi cụ thể: "Điện lực có thay đổi gì không vì phải có 2 sổ hộ khẩu mới được tính là 2 hộ trong một nhà". Bạn Hai Tu (haitu1955@yahoo.com) nhận định: "Tôi nghĩ chắc chắn phải đưa ra bàn thảo phương cách thực hiện như thế nào tốt và khả thi nhất, tham khảo kinh nghiệm từ những quốc gia nào từng áp dụng, sau đó mới trình Quốc hội thông qua. Cần có quá trình chuẩn bị trước khi mang ra áp dụng".
Trong khi đó, bạn đọc nguyendinhhoan (boy_tiendu@yahoo.com) thắc mắc: "Thế này thì cả ngành công an lẫn nhân dân đều vui mừng, chỉ có điều thực hiện như thế nào trong khi quá nhiều ngành "ăn theo" sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, CMND làm tài liệu trong hồ sơ của mình như ngân hàng, bảo hiểm y tế, các công ty bảo hiểm và cả công ty bán nhà thu nhập thấp". Bạn ngominhphu đồng tình với việc bổ sung nhóm máu vào CCCD để dùng trong trường hợp cần cấp cứu, truyền máu khẩn cấp...
T.Tiên
Bình luận (0)