Chính quyền TP HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 19-CT-UB của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về thực hiện cuộc vận động "Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước". Nhiều giải pháp sẽ được thực hiện nhằm vận động, ngăn ngừa người dân xả rác ra đường, kênh rạch, sông ngòi.
Rác ở khắp nơi
Cụ thể, ở những địa điểm người dân thường xả rác sẽ được lắp camera; triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả thông tin phản ánh của người dân qua tin nhắn, hình ảnh, thư điện tử và điện thoại về tình trạng xả rác; bố trí thùng rác công cộng, thu gom rác trong ngày để bảo đảm mỹ quan.
Để triển khai quyết định này, lãnh đạo TP yêu cầu các đơn vị phường, xã phải có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu các hộ dân kinh doanh mặt tiền, vỉa hè phải trang bị thiết bị lưu chứa rác thải, không xả rác ra đường, trước miệng cống, xuống kênh. Các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành, vi phạm. Nếu khu phố, ấp, phường, xã, thị trấn để xảy ra tình trạng người dân xả rác thì phải chịu trách nhiệm.
Rác trên cầu Tham Lương (quận 12, TP HCM) Ảnh: HẠNH NGUYÊN
Thời gian qua, các cấp chính quyền đã nỗ lực để quản lý và xử lý lượng rác thải trên địa bàn; đồng thời, tăng cường các biện pháp xử phạt để giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, lực lượng kiểm tra và xử lý cũng không thể nào kiểm soát được hết. Những bãi rác tự phát và hành vi xả rác bừa bãi vẫn ngang nhiên diễn ra, làm cho đường phố trở nên nhếch nhác và không khí ô nhiễm.
Không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người vừa đi xe máy vừa hút thuốc rồi thản nhiên vứt tàn thuốc xuống đường. Hay tại một điểm dò vé số, hàng chục người đứng dò vé xong vứt ngay xuống đường; những quán vỉa hè, rác bị vứt ngay dưới sàn nhà, lòng đường dù có hay không có giỏ rác. Thậm chí, tại các cây cầu, hố ga, nhà chờ xe buýt, cột đèn, gốc cây… đều trở thành nơi tập kết rác của nhiều người.
Điển hình trên cầu Tham Lương (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) nhiều người bán nghêu, sò, ốc để xe chiếm lòng đường, vô tư xả rác gây mùi hôi thối. Đáng nói, những rác thải, vỏ ốc, túi ni-lông này không được quét dọn mỗi ngày mà phải nhiều tuần mới có lực lượng dọn dẹp.
Tương tự, trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, TP HCM), hai bên đường người dân, người bán hàng rong vô tư bỏ những bao rác thải. Lâu ngày, những bao rác này cao dần và bốc mùi hôi thối cả một vùng.
Quyết tâm sẽ làm được
Đồng tình với quyết định của UBND TP HCM, ông Bùi Minh Tiến, Chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh (quận 1), cho biết cả hệ thống chính trị phường Cầu Ông Lãnh đã vào cuộc vận động người dân không xả rác ra đường, để rác đúng nơi quy định, phân loại rác phù hợp. "Chúng tôi đã hỗ trợ thùng rác đến nhiều hộ dân trong phường, vận động người dân không xả rác ra đường phố, thấy rác trước nhà thì dọn dẹp để đúng nơi" - ông Tiến thông tin.
Cũng theo ông Tiến, Hội Phụ nữ phường Cầu Ông Lãnh đã triển khai đến các hội viên vì những người này sẽ là nòng cốt trong cuộc vận động từng nhà, từng người dân không xả rác ra đường, kênh rạch và vận động người dân cung cấp hình ảnh, video xả rác qua hộp thư điện tử, Facebook.
"Triển khai cuộc vận động này, lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường Cầu Ông Lãnh (quận 1) đã tổ chức tuyên truyền tại hẻm 95 và 114 đường Nguyễn Thái Học, phường Cầu Ông Lãnh. Tại các buổi tuyên truyền này, người dân rất ủng hộ quyết định của UBND TP HCM vì thấy việc xử lý người xả rác bừa bãi là cần thiết. Đường sá sạch đẹp sẽ hạn chế ruồi muỗi, chuột, gián và sẽ tạo một hình ảnh đẹp khi du khách ghé thăm TP" - ông Tiến cho biết.
Trong khi đó, ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), nói nhiều xe chở rác của lực lượng thu gom rác dân lập khá sơ sài, không che chắn nên rác từ trên xe bay xuống đường, kèm theo mùi hôi cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường và đường phố nhếch nhác. Để giữ gìn vệ sinh môi trường, ngoài việc tuyên truyền, tăng cường giám sát và xử phạt những hành vi vi phạm xả rác bừa bãi nhằm nâng cao ý thức của mỗi người dân, rất cần những giải pháp đồng bộ, trong đó có việc thay đổi và chuẩn hóa các phương tiện thu gom rác. "Các hộ thu gom rác dân lập thường có quy mô nhỏ, chịu trách nhiệm thu gom cho một hoặc vài đường dây nên khả năng đầu tư phương tiện mới bị hạn chế. Do vậy, để giải quyết được tình trạng xe chở rác sai quy chuẩn trên đường thì phải đưa các hộ này tham gia vào các HTX. Khi đó, các HTX sẽ thống kê các phương tiện của xã viên chưa đạt yêu cầu và lên kế hoạch thay thế. Vào HTX rồi thì các hộ thu gom rác dân lập cũng được hưởng nhiều quyền lợi hơn, được hỗ trợ nguồn vốn thay đổi phương tiện" - ông Tú nêu ý kiến.
Mời tham gia diễn đàn
Các hành vi xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường... luật pháp đã có nhiều quy định nghiêm cấm, xử phạt; cũng từng nhiều lần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Chính quyền TP và các địa phương cũng tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động, quản lý, xử phạt. Thế nhưng, nạn bạ đâu vứt đó vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên đường, trong các hẻm phố.
Làm sao triệt được thói xấu này? Giải pháp nào là phù hợp, hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay? Mời bạn đọc tham gia diễn đàn và hiến kế để xử lý tình trạng này. Thư từ, bài vở xin gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
Trân trọng
Bình luận (0)