Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm đã ký quyết định tạm dừng hoạt động các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên); CLB bida, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP từ 18 giờ ngày 25-3, đồng thời khuyến khích tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ kinh doanh không thiết yếu; chỉ mở cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ những mặt hàng thiết yếu.
Tuân thủ chủ trương của TP, nhiều trung tâm thương mại (TTTM) trên địa bàn đã tạm ngừng hoạt động các cửa hàng có đặc thù nêu trên. Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong những TTTM vì hiện tại hơn 60% diện tích tại những TTTM này là các cửa hàng thời trang, phụ kiện, mỹ phẩm vẫn hoạt động, dù hầu như không bán được vào những ngày qua.
Trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, chính quyền các địa phương yêu cầu hạn chế tụ tập đông người, việc các TTTM vẫn hoạt động và đón tiếp hàng trăm lượt khách mỗi ngày đang là vấn đề mà các cơ quan, ban - ngành cần quan tâm. Không khó để nhận thấy TTTM tập trung đông người đến mức nào, chỉ cần quan sát bãi giữ xe hàng trăm vị trí đã lấp đầy thì rõ. Những ngày này, khi tất cả các dịch vụ ở khu vực quen thuộc bên ngoài đã tạm đóng cửa, TTTM chính là điểm đến được lựa chọn của du khách nước ngoài và thanh thiếu niên. Trong cái nóng như thiêu như đốt của tháng 3, TTTM rộng thênh thang với máy lạnh mát rượi trở thành lựa chọn của một bộ phận người để… tránh nắng!
Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, TTTM vì thế trở thành những nơi tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cao và khó lường nếu vẫn mở cửa đón khách. Việc kiểm soát ổ dịch phát tán tại các TTTM là bài toán khó đối với cơ quan chức năng khi tất cả các khách hàng đều không được rà soát thông tin, lộ trình và quá trình tiếp xúc chéo với nhau.
Về hiệu quả kinh tế, theo đánh giá sơ bộ của Sở Công Thương TP HCM, từ tháng 2 đến nay, sức mua tại các siêu thị, TTTM, địa điểm ăn uống đã sụt giảm so với cùng kỳ do người dân hạn chế nhu cầu đi lại, mua sắm, vui chơi giải trí... Hiện nay, người dân có tâm lý ngại mua sắm các mặt hàng phi thực phẩm (điện máy, điện gia dụng, dụng cụ nhà bếp…) nên mãi lực những mặt hàng này trên đà giảm mạnh. Các TTTM xác nhận sức mua đã giảm khoảng 30%-40% so với ngày thường. Nguyên nhân một phần là do dịch bệnh, người dân có xu hướng sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại.
Trong kịch bản cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vào thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Công Thương TP đã lập kế hoạch chuẩn bị, cung ứng hàng cho 3 tình huống bùng phát dịch từ dưới 100 người dân trên địa bàn dương tính với SARS-CoV-2, dưới 300 người trên địa bàn dương tính và trường hợp dịch lan rộng ra cộng đồng. Cả 3 phương án này, ngành Công Thương TP đều tập trung chuẩn bị lượng hàng bảo đảm đủ nhu cầu tiêu thụ tăng cao, tổ chức cung ứng ra thị trường lẫn công tác kiểm soát giá cả, chất lượng, xuất xứ hàng hóa… và đặc biệt chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển kênh phân phối điện tử.
Với sự chuẩn bị kỹ càng, chặt chẽ như vậy, việc tạm đóng cửa các TTTM một thời gian không ảnh hưởng nhiều đến cung - cầu thị trường mà là quyết định cần thiết để ngăn chặn nguy cơ bùng phát ổ dịch tiềm ẩn tại các TTTM. Đây cũng có thể được xem là một trong những giải pháp chống dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi họp sáng 26-3. Cụ thể, Thủ tướng đã yêu cầu đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ ở những TP lớn.
Bình luận (0)