Có thể nói, việc tinh giản biên chế, sáp nhập tinh gọn bộ máy đang trong giai đoạn quyết liệt hơn bao giờ hết. Ðiều này thể hiện quyết tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của người dân. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn, vướng mắc, nhạy cảm nhất hiện nay khi sáp nhập, tinh gọn bộ máy là việc sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập, tinh gọn. Nếu xử lý không khéo léo, có lý có tình thì sẽ gây xáo trộn, mất đoàn kết, khiếu nại, khiếu kiện phức tạp... Thậm chí, có thể xảy ra những phản ứng cực đoan, tiêu cực hoặc phá hoại ngầm, theo kiểu "không ăn được thì đạp đổ" từ những cán bộ, công chức không được cơ cấu, "ở lại".
Có lẽ nắm được những diễn biến trên nên hiện các cơ quan chức năng đang tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà quản lý để đưa ra phương án tối ưu. Ở đây, tôi xin đề cập đến việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ giai đoạn "tiền" sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Có thể khẳng định rằng hiện vẫn có nhiều cơ quan, đơn vị thuộc diện có thể phải sáp nhập, sắp xếp trong thời gian tới đây, tức trước 2021. Tuy vậy, các đơn vị này vẫn tiến hành đề bạt, bổ nhiệm cán bộ bình thường, coi như "chưa biết", "không cần biết" đến việc phải sáp nhập bộ máy trong nay mai. Thậm chí, một số nơi còn có dấu hiệu bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách "ồ ạt", cứ thẩm quyền mà "bổ", kiểu "mai rồi tính tiếp"! Ðiều này chắc chắn sẽ làm cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ càng thêm phức tạp, khó khăn hơn khi triển khai trên thực tế.
Do đó, cơ quan chức năng cần sớm ban hành văn bản quy định về việc tạm dừng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thời điểm này để tiến hành thu gọn bộ máy. Ðối với trường hợp thực sự cần thiết thì mới đề bạt, bổ nhiệm và phải được sự đồng ý của cơ quan cấp trên. Như vậy, sẽ góp phần hạn chế những vướng mắc, khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý dôi dư, vừa sớm ổn định tổ chức, hoạt động nề nếp hiệu quả hơn sau khi sắp xếp, tinh gọn.
Bình luận (0)