Cứ 5 giờ sáng, người dân sống trên đường Lê Hoàng Phái (phường 17, quận Gò Vấp, TP HCM) lại thấy một bà lão tóc bạc trắng cần mẫn cầm chổi quét dọn từ đường lớn đến hẻm nhỏ. Mặt trời xuất hiện, bà trở về nhà, tỉ mẩn cắt vải vụn may lại những bộ quần áo cho trẻ em, may lại những bộ quần áo cũ xin được. Buổi trưa, bà đẩy tủ quần áo ra phía trước nhà, ai đi ngang có thể dừng chân chọn mua, bỏ tiền vào con heo đất. Những đồng tiền đó sẽ được bà cùng những người trong xóm thuê xe đi khắp các trung tâm bảo trợ, bệnh viện để tặng quà.
Hàng chục năm qua, ngày nào cũng vậy, bà Nguyễn Thị Nga (83 tuổi; ngụ phường 17, quận Gò Vấp; người dân gọi thân thương là má Ba) đều đặn làm những công việc nói trên.
Bà Nga chuẩn bị bữa cơm để phát cho người vô gia cư
Chúng tôi đến khi bà Nga đang ngồi lặng lẽ may lại áo cũ. Hỏi thăm sức khỏe hiện nay, bà lấy xấp giấy, trong đó ghi rõ từng căn bệnh: ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư cổ tử cung. "Có nhiều kiểu chết lắm: bị bệnh, tai nạn, đột tử… Nhiều người chết mà công việc còn dở dang, thậm chí không kịp trăn trối với người thân. Bệnh ung thư coi như bị tuyên án tử nhưng nhìn ở góc độ tích cực, nó cho chúng ta thời gian để làm điều mình muốn trước khi nhắm mắt xuôi tay" - bà Nga cười nhẹ khi nói về những căn bệnh của mình.
Hơn 30 năm trước, khi phát hiện căn bệnh ung thư đầu tiên, bác sĩ nói bà chỉ có thể sống được 1 năm. Không phí một giây phút nào để khóc thương cho phận mình, bà quyết định dành toàn bộ quỹ thời gian còn lại để giúp đời, giúp người. "Càng đi làm từ thiện càng thấy còn nhiều người nghèo khổ quá và cũng có không ít người dành hết tài sản, cuộc đời và tuổi trẻ để chăm sóc cho người khó khăn. Nghiệm lại, còn thở được giây phút nào, sao mình không làm điều tốt đẹp?" - bà Nga nhớ lại.
Một năm rồi cũng trôi qua, sức khỏe vẫn bảo đảm, mỗi ngày bà Nga vẫn may 2 bộ đồ, quét dọn 2 km đường. Đến khi tiếp tục phát hiện căn bệnh ung thư vú, bà tự chạy xe vào Bệnh viện Ung Bướu TP HCM để điều trị. Lần đó, xung quanh giường bệnh toàn người trẻ, không khí trong phòng chùng xuống, rất nặng nề. Bà Nga bày hết trò này đến trò khác khuấy động tinh thần mọi người, giúp họ sống an nhiên và tin tưởng vào ngày mai.
Căn nhà bà Nga đang ở là của một người bạn cùng xóm tham gia làm từ thiện nhiều năm trước, hiện đã mất. Trước khi ra đi, người này dặn dò người thân: "Hãy cho má Ba ở, mỗi tháng gửi má Ba 1 triệu đồng để làm việc thiện…". Hơn 10 năm không nhà cửa, không tài sản, nay bà Nga đã có chỗ đi về. Tủ quần áo đặc biệt của bà luôn thu hút sự ủng hộ của nhiều người. "Có thể thời gian qua, tôi đã gieo tình thương đến cho những người nghèo và nhận lại được tình yêu thương, niềm vui nên đẩy lùi các căn bệnh" - bà Nga lạc quan nói.
Điều chúng tôi cảm nhận, dù trên trang Facebook hay ở đời thực, lúc nào bà Nga cũng giữ tinh thần lạc quan, vui sống, sẵn sàng sẻ chia, dù mỗi ngày bà phải uống hơn 10 loại thuốc.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-5
Bình luận (0)