xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngăn chặn tội phạm người nước ngoài: Cần tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

Luật sư Nguyễn Văn Đức

Việc quản lý người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam được quy định rất chặt chẽ, nếu thực hiện nghiêm túc sẽ không có tình trạng tội phạm người nước ngoài lộng hành

Thời gian qua, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện nhiều hành vi tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự quản lý xã hội của Nhà nước Việt Nam, làm cho người dân lo lắng.

Làm thế nào để ngăn chặn những hành vi phạm pháp, bảo đảm trật tự trị an, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân? Đây là câu hỏi không chỉ liên quan đến trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật mà còn là ý thức của các tổ chức, cá nhân, cơ sở đăng ký cho người nước ngoài lưu trú.

Luật quy định chặt chẽ

Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là Luật Xuất nhập cảnh - XNC) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015, quy định khá chặt chẽ về điều kiện, trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan quản lý XNC, công an địa phương, các tổ chức, cá nhân XNC vào Việt Nam; quyền, nghĩa vụ của các cơ sở lưu trú cho người nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam; tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng trong quan hệ quốc tế (khoản 2 điều 4 luật này). Nghiêm cấm người nước ngoài lợi dụng việc nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam để chống lại Nhà nước Việt Nam; xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (khoản 5 điều 5).

Để quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, luật này quy định chi tiết về ký hiệu thị thực, thời hạn, điều kiện cấp thị thực đối với từng đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam. Trên cơ sở đó, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ nắm rõ từng đối tượng, điều kiện, thời hạn, mục đích vào Việt Nam của người nước ngoài. Đối với các tổ chức, cá nhân đứng ra bảo lãnh hoặc cho người nước ngoài lưu trú tại Việt Nam phải có trách nhiệm khai báo tạm trú với công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm công an nơi có cơ sở lưu trú (gọi chung là công an xã) trong thời hạn 12 giờ, chậm nhất là 24 giờ đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Thông tư 53/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định cách thức thực hiện khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam, ngoài việc triển khai các quy định của Luật XNC, còn cụ thể hóa thêm một số trách nhiệm của cơ sở lưu trú, bao gồm các cơ sở lưu trú cho người nước ngoài thuê để lưu trú dài hạn mà chủ cơ sở lưu trú không cư trú tại đó hoặc nhà do người nước ngoài mua, thì người đứng tên trong hợp đồng thuê hoặc hợp đồng mua nhà có trách nhiệm thực hiện khai báo tạm trú cho người nước ngoài tạm trú tại cơ sở lưu trú đó. Phòng quản lý XNC công an cấp tỉnh tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài được khai báo qua Trang thông tin điện tử 24 giờ/7 ngày; thông báo cho đồn biên phòng nơi có cơ sở lưu trú nếu người nước ngoài tạm trú tại các cơ sở lưu trú thuộc khu vực biên giới.

Ngăn chặn tội phạm người nước ngoài: Cần tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân - Ảnh 1.

34 đối tượng người Trung Quốc thuê nguyên khách sạn Chula (Đà Nẵng) để thao túng chứng khoán Ảnh: Quang Luật

Mất cảnh giác hay vì lợi ích cá nhân?

Việc người nước ngoài làm gì trong thời gian lưu trú tại Việt Nam, người có trách nhiệm của các cơ sở lưu trú cần phải nắm được. Không thể nói rằng họ thuê nhà, thuê khách sạn để hoạt động tội phạm rầm rộ mà người chủ cơ sở, chủ nhà không biết. Thời gian qua, các nhóm tội phạm người nước ngoài tổ chức hệ thống đánh bạc, sản xuất ma túy, các loại tội phạm công nghệ cao, đóng phim khiêu dâm... với số lượng người ra vào rất lớn mà chủ nhà không biết là điều hết sức vô lý. Họ mất cảnh giác hay vì lợi ích cá nhân mà làm ngơ? Cơ quan bảo vệ pháp luật cần điều tra, làm rõ ý thức chủ quan của người có trách nhiệm của các cơ sở lưu trú này, nếu biết mà làm ngơ hoặc tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động thì tùy tình huống cụ thể có thể xử lý về hành vi đồng phạm với vai trò giúp sức hoặc che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm.

Đối với tội phạm là người nước ngoài, khi thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, cần phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng tinh thần của pháp luật hình sự Việt Nam. Ngoại trừ những trường hợp được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, theo tập quán quốc tế hoặc giải quyết bằng con đường ngoại giao, những trường hợp còn lại phải bị xử lý theo pháp luật hình sự Việt Nam, bởi cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam.

Đối với hệ thống cơ quan công an, nhất là công an quản lý XNC, công an cấp xã, cũng cần tăng cường trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát địa bàn, kiểm tra người và phương tiện, hành lý khi nhập vào Việt Nam. Cần kiên quyết không cho nhập cảnh đối với các đối tượng có nghi vấn. Người dân không thể an tâm với tình trạng quản lý địa bàn như hiện nay của một số công an cấp xã. Đơn cử, người nước ngoài tổ chức sản xuất ma túy tại Việt Nam với số lượng hàng trăm ký, trong thời gian dài mà công an địa bàn không nắm được. Bộ Công an cần có biện pháp xử lý kỷ luật, điều chuyển, thậm chí cho ra khỏi ngành đối với những trường hợp công an khu vực, trưởng công an cấp xã để tội phạm người nước ngoài hoạt động mà không phát hiện kịp thời. Cơ quan có thẩm quyền cần chủ động chặn đứng và xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội thì mới mong giảm được tình trạng tội phạm người nước ngoài lộng hành.

Sẽ khởi tố vụ thuê trẻ em sản xuất "phim người lớn"

Ngày 18-9, đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết cơ quan công an hiện đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án liên quan đến 5 người Trung Quốc và 1 nữ phiên dịch người Việt tổ chức thuê các cô gái, trong đó có trẻ em, đóng "phim người lớn" phát tán trên internet. Hiện cơ quan công an đang tạm giữ hình sự 5 người Trung Quốc gồm: Tưởng Đăng Quân (SN 1989), Trương Huệ Mẫn (SN 1981), Phương Tuấn Kiệt (SN 1986), Đới Hồng Hi (SN 1996), Lưu Tiểu Duy (SN 1998). Nữ phiên dịch người Việt Nam là Sầm Thị Sen (SN 1995; trú xã Tân An, huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai).

Theo đại tá Mưu, trước mắt, công an sẽ khởi tố vụ án giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với nhóm người trên; đồng thời làm rõ thêm các vụ việc khác, bao gồm việc sản xuất phim nhạy cảm, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy.

"Hành vi của nhóm người trên là phạm tội có tổ chức, có thiết bị, phương tiện và mang tính chất nghiêm trọng. Đây là vụ việc phạm tội tại Việt Nam và sẽ được cơ quan công an khởi tố, xét xử theo pháp luật Việt Nam" - đại tá Mưu khẳng định.

Trước đó, tối 14-9, nhóm người trên bị phát hiện đang sản xuất "phim người lớn" tại căn nhà 4 tầng ở quận Sơn Trà. Công an xác định có ít nhất 4 cô gái được nhóm này thuê, trong đó có một bé gái mới hơn 15 tuổi.

B.Vân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo