Công an quận 2, TP HCM ngày 17-9 cho biết vừa bàn giao nhóm đối tượng gồm 6 người Trung Quốc và 3 người Việt Nam cho Công an TP HCM để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi.
Cho vay "cắt cổ" qua app
Nhóm đối tượng người Trung Quốc gồm: Song Yu Jie, Yan Ze Feng, Hao Chao, Zang Jin Cheng, Qian Ying Jie, Qian Liang Yo (đều trú quận 2); cùng 3 người Việt Nam là Nguyễn Vương Bảo, Nguyễn Thị Hoàng Mỹ và Phạm Viết Thanh Nhã.
Đối tượng Trương Huệ Mẫn, người Trung Quốc, vừa bị bắt trong vụ sản xuất phim đồi trụy ở Đà Nẵng Ảnh: NGA ĐINH
Vào khoảng 16 giờ ngày 14-9, Bảo (nhân viên thu hồi nợ của Công ty Star City, chuyên tạo các app (ứng dụng) như BDong, VDong, UDong… cho vay tiền tín chấp trên mạng, đang hoạt động tại một căn nhà (thuộc khu phố 2, phường An Phú, quận 2) xảy ra mâu thuẫn với nhóm người Trung Quốc. Nhóm người này cho rằng Bảo chiếm đoạt tiền công ty nên lớn tiếng đe dọa.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai tại địa chỉ trên có 2 công ty là Công ty TNHH Kyushu và Công ty Star City đang hoạt động cho vay tín chấp do ông Nguyễn Khắc Hạnh (ngụ quận 10) làm giám đốc và một người tên là Yan Xin (quốc tịch Trung Quốc) làm phó giám đốc. Hai công ty này đăng ký hoạt động kinh doanh ở quận Gò Vấp, có khoảng 30 nhân viên cả người Việt Nam lẫn Trung Quốc. Cả 2 công ty đều tạo app ứng dụng (do người Trung Quốc làm) thông qua mạng xã hội Facebook để quảng cáo. Khách hàng có nhu cầu vay thì phải cung cấp đầy đủ các thông tin nêu trong ứng dụng. Sau khi khách cung cấp đầy đủ thông tin, nhân viên của công ty sẽ liên hệ, thẩm định rồi chuyển tiền vào tài khoản.
Thời gian sau, nhóm đối tượng thay đổi địa điểm khi thuê 2 căn hộ ở phường Bình Khánh, phường An Phú để cho vay nặng lãi. Theo quy định, khách vay tiền phải chịu phí dịch vụ 24% trên tổng số tiền vay với thời hạn vay 6 ngày, lãi suất 4%. Sồ tiền cho vay từ 1,2 triệu đồng đến 4 triệu đồng, thông qua hình thức chuyển khoản. Nếu khách trả chậm hoặc không trả sẽ bị phạt 4% và cho "xã hội đen" đe dọa, bêu xấu trên mạng. Thời điểm khám xét 2 công ty trên, công an thu giữ 7 CPU, 19 máy tính, 23 ĐTDĐ, nhiều hợp đồng cho vay.
Chiếm đoạt tài sản lớn
Cuối tháng 7, các lực lượng của Bộ Công an và Công an TP Hải Phòng đột kích vào khu đô thị Our City (phường Hải Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) kiểm tra hành chính, phát hiện nhiều người nước ngoài đang vận hành hệ thống thiết bị đánh bạc quốc tế với các hình thức như cá cược thể thao, dự đoán kết quả xổ số, lô đề...
Bước đầu xác định số tiền đã giao dịch trên hệ thống mạng đánh bạc tại đây là hơn 3 tỉ nhân dân tệ (khoảng hơn 10.000 tỉ đồng Việt Nam). Ngoài ra, công an còn thu giữ gần 2.000 điện thoại di động, 533 máy tính các loại, nhiều thẻ ngân hàng, tiền mặt, cùng nhiều đồ vật, tài liệu liên quan.
Công an xác định đường dây đánh bạc trực tuyến do nghi phạm người Trung Quốc thành lập và tổ chức cho chính công dân của nước này tham gia. Sau đó, công an dẫn độ gần 400 người Trung Quốc trong đường dây đánh bạc này bàn giao cho cơ quan chức năng Trung Quốc theo Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Trung Quốc.
Thượng tá Lê Huy, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, cho biết từ đầu năm đến nay, Công an TP Hà Nội xử lý hàng chục vụ móc túi, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng do người nước ngoài gây ra. Đáng chú ý, nhiều vụ án do người nước ngoài, các tổ chức tội phạm ở nước ngoài điều hành, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với giá trị lớn cũng đã diễn ra trên địa bàn thủ đô.
Tại phiên thảo luận về kết quả công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng mảng kinh tế cần làm rõ hơn các hoạt động có yếu tố nước ngoài trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, có nhiều đối tượng vào Việt Nam lợi dụng địa bàn để hoạt động tội phạm. Hiện những hiện tượng như lợi dụng không gian mạng internet để đánh bạc, buôn bán ma túy đã bộc lộ.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng đề cập đến việc giám sát về quy hoạch và sử dụng đất đai, như thông tin nhà đầu tư nước ngoài mượn danh người Việt để mua nhà, đất đai ở những địa bàn nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Chỉ đạo mới đây nhất của Bộ Chính trị về thu hút đầu tư nước ngoài cũng yêu cầu làm rõ, khắc phục hiện tượng đầu tư núp bóng, chuyển giá, trốn thuế…
"Cần báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tới về những tình trạng núp bóng, mượn danh có yếu tố nước ngoài" - ông Thanh đề nghị.
Gia tăng tội phạm công nghệ cao
Đại diện Bộ Công an cho biết tội phạm vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn. Đáng lưu ý, tình trạng người nước ngoài lợi dụng địa bàn Việt Nam để phạm tội sử dụng công nghệ cao (lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng...) có chiều hướng gia tăng.
Thời gian qua, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, địa phương triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phát hiện, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm liên quan thanh toán thẻ, thanh toán điện tử; tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet...
N.Hưởng
Dụ dỗ trẻ em đóng "phim người lớn", thao túng chứng khoán
Sáng 17-9, Công an TP Đà Nẵng cho biết vừa bắt tạm giam 5 đối tượng người Trung Quốc, gồm: Tưởng Đăng Quân, Trương Huệ Mẫn, Phương Tuấn Kiệt, Đới Hồng Hi, Lưu Tiểu Duy và một nữ người Việt Nam là Sầm Thị Sen (ngụ tỉnh Gia Lai) vì hành vi "Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi".
Trước đó, ngày 13-9, Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận đơn tố cáo về việc em D. (15 tuổi, người Đà Nẵng) bị nhóm đối tượng trên dụ dỗ quan hệ tình dục rồi phát tán clip qua livestream lên một mạng xã hội Trung Quốc vào tháng 3 vừa rồi. Ngày 14-9, lực lượng công an kiểm tra hành chính nhà số 31 đường Lê Minh Trung, quận Sơn Trà, nơi nhóm đối tượng trên lưu trú, phát hiện trong điện thoại di động và máy vi tính xách tay có một số hình ảnh, video đồi trụy chuẩn bị được phát lên mạng internet.
Sen khai là phiên dịch cho cả nhóm người Trung Quốc. Từ tháng 2, Sen thuê nhà số 31 Lê Minh Trung để ở và trực tiếp thực hiện các clip kích dục, đồi trụy với Quân, Mẫn, Kiệt, Hi, Duy. Qua Facebook, Sen đăng tin tuyển các cô gái trẻ, ngoại hình đẹp để "làm việc nhẹ nhàng với mức lương cao" rồi dụ dỗ "đóng phim" với cảnh quay kích dục nhưng không giao cấu, trong thời gian 6 giờ sẽ trả "thù lao" 700.000 đồng; quay cảnh có quan hệ tình dục thì trả 1 triệu đồng. Các clip sau đó được phát lên mạng xã hội ở Trung Quốc, nhóm đối tượng sẽ thu tiền từ các thành viên qua tài khoản ngân hàng ở đại lục.
Bước đầu, công an xác định một phụ nữ tên N. tham gia đóng clip từ tháng 2 đến tháng 5. Sau khi nghỉ, N. giới thiệu D. Ngoài N. và D. còn có 2 phụ nữ khác cùng tham gia từ tháng 6 đến đầu tháng 9.
Cùng ngày, Công an quận Ngũ Hành Sơn cho hay lực lượng chức năng vừa phát hiện 34 người Trung Quốc thuê cả khách sạn Chula (338 Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) để thực hiện đầu tư phi pháp nhằm thao túng chứng khoán qua mạng. Nhóm đối tượng này xin visa thị thực với mục đích du lịch, sau đó thuê cả khách sạn và để khách sạn hoạt động như bình thường nhằm tạo vỏ bọc. Nhưng khi khách vãng lai đến, nhân viên nói "hết phòng".
Các đối tượng khai làm thuê cho một ông chủ tại Trung Quốc, do bị cấm ở Trung Quốc nên cả nhóm phải sang Việt Nam để thực hiện hành vi này. Theo Công an quận Ngũ Hành Sơn, người nhập cảnh vi phạm mục đích thị thực sẽ bị buộc trục xuất kèm mức phạt 15 - 25 triệu đồng/người.
Q.Luật - B.Vân
Bình luận (0)