Theo thống kê từ Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc và trường giáo dưỡng (thuộc Bộ Công an), hiện có hơn 1.400 phạm nhân là người nước ngoài đang chấp hành án hình sự tại các cơ sở giam giữ. Đa số phạm nhân người nước ngoài bị kết án liên quan đến các tội về ma túy và kinh tế. Về quốc tịch, số phạm nhân mang quốc tịch Lào và Trung Quốc chiếm tỉ lệ cao, tiếp đến là quốc tịch Úc, Nigeria, Campuchia.
Người nước ngoài lưu trú ngày càng nhiều
Đại diện Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP HCM cho biết hiện nay, người nước ngoài vào TP lưu trú ngày càng nhiều do việc mở cửa thu hút đầu tư từ bên ngoài. TP HCM hiện có nhiều khu tập trung những người nước ngoại vào du lịch, đầu tư, lao động. Đơn cử, khu Ngô Văn Năm (quận 1) dành cho người Nhật Bản, khu Phú Mỹ Hưng (quận 7), Trường Sơn (quận Tân Bình) dành cho người Hàn Quốc… Việc người nước ngoài tập trung về một khu vực dễ bảo đảm quản lý. Tuy nhiên, ở một số nơi người nước ngoài sinh sống rất khó kiểm tra hành chính một cách đơn thuần.
"Một nhóm người nước ngoài ở chung cư cao cấp. Việc ra vào sảnh chung cư phải gọi điện thoại lên, chủ căn hộ ấn nút mới mở cửa được. Cảnh sát khu vực không phải lúc nào cũng kiểm tra. Từ đó, họ dễ dàng ẩn nấp, thấy người lạ lên sẽ dễ dàng xóa bỏ vật chứng" - Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội thông tin. Ngoài ra, hiện nay các nhà xưởng kín cổng cao tường, nhiều lớp và các đối tượng người nước ngoài ít tiếp xúc với người dân xung quanh khiến mọi thông tin bị bít kín.
Luật sư Phan Vũ Tuấn (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam) cho rằng cơ quan chức năng khó xử lý những trường hợp người phạm tội là công dân những quốc gia chưa ký kết hiệp định hợp tác, dẫn độ tội phạm hoặc hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam. Bên cạnh đó, việc bất đồng ngôn ngữ cũng là một trong những trở ngại rất lớn, đặc biệt trong quá trình điều tra, thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa, tuyên án… Quá trình giải quyết nhiều vụ án có yếu tố nước ngoài còn cho thấy việc xác định được nhân thân của người nước ngoài phạm tội gặp không ít khó khăn. Dù vậy, pháp luật quy định khá rõ về việc xử lý hình sự đối với những hành vi phạm tội của người nước ngoài tại Việt Nam ở điều 5 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam và không thuộc trường hợp miễn trừ trong luật, họ chịu trách nhiệm như công dân Việt Nam phạm tội. Trong các hình phạt áp dụng cho người phạm tội là người nước ngoài, trục xuất là hình phạt đặc thù nhất. Đối với hình phạt này, Chính phủ có Nghị định 54/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành.
Các thùng chứa dung dịch hóa chất để sản xuất ma túy của nhóm người Trung Quốc được phát hiện tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)
Nâng cao ngoại ngữ, tăng cường giám sát
Để công tác đấu tranh, phòng ngừa những hành vi phạm tội của người nước ngoài có hiệu quả, giải pháp mà Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đề xuất chính là việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ và tăng cường công tác giám sát tại cơ sở. Việc phát hiện những biểu hiện lạ và dấu hiệu bất minh về tài chính sẽ đưa vào diện giám sát, từ đó sớm ngăn chặn các hoạt động phi pháp.
Luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng hiện nay, lực lượng công an khu vực có mặt khắp nơi, không thể nói một nhóm người nước ngoài lưu trú khá lâu mà không nắm bắt được. Vì vậy, ngoài công tác giám sát, công an khu vực còn phải bảo đảm thêm việc phối hợp cung cấp thông tin, nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở lưu trú. Chẳng hạn, chủ nhà nghỉ, khách sạn không kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi nhóm du khách có những biểu hiện nghi vấn thì phải có chế tài xử lý.
Một công an khu vực phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM cho biết thời gian gần đây, khách đến từ châu Phi thường lưu trú ở khu vực phố Tây và có hành vi quấy rối công cộng; đặc biệt là tình trạng đánh cắp, sao chép dữ liệu tại trụ ATM để rút trộm tiền. "Vì vậy, để bảo đảm an ninh trật tự, kịp thời ngăn chặn, công an sẽ tiếp cận kiểm tra khi nghi vấn người nước ngoài đang chuẩn bị có hành vi phạm pháp. Đây cũng là cách giám sát, bảo đảm an ninh trật tự" - vị này thông tin.
Còn theo thạc sĩ xã hội học Tạ Lan Thảo, khi thấy căn hộ hay khu nhà, biệt thự tập trung đông người nước ngoài và luôn kín cổng cao tường, người dân cần thông báo cho cơ quan quản lý sở tại. Khi cho thuê, chủ nhà cần biết rõ mục đích cư trú, xem kỹ giấy tờ…
Philippines bắt giữ hơn 600 người Trung Quốc
Trong cuộc truy quét 8 khách sạn và một số địa điểm khác ở TP Puerto Princesa thuộc tỉnh Palawan vừa qua, Cục Di trú Philippines (với sự trợ giúp của quân đội) đã bắt giữ 324 người Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến hành vi đánh bạc trực tuyến trái phép và các tội trạng khác.
Ông Jaime Morente, quan chức phụ trách về di trú của Philippines, cho biết các đối tượng này sẽ bị trục xuất vì vi phạm các điều kiện lưu trú ở nước này và làm việc không giấy phép. "Các báo cáo ban đầu cho thấy hầu hết những người nước ngoài này ở lại quá thời hạn và không có giấy tờ chứng minh" - ông Morente xác nhận.
Đặc vụ Fortunato Manahan Jr. tiết lộ cơ quan chức năng tiến hành các cuộc truy quét một phần là do giới chức địa phương than phiền về sự hiện diện của nhiều người Trung Quốc ở TP Puerto Princesa. Nhà chức trách đã theo dõi nhiều tuần lễ trước khi tiến hành cuộc truy quét nói trên.
Tuần trước, hôm 14-9, Philippines đã bắt giữ 277 người Trung Quốc tham gia một tổ chức đầu tư trực tuyến lừa đảo hàng trăm người ở Trung Quốc. Cuộc truy quét được tiến hành ở TP Pasig thuộc khu đô thị Manila.
Lục San
Bình luận (0)