Sau 18 ngày xét xử và nghị án, cuối cùng 2 cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng C50) cùng 90 bị cáo trong đường dây tổ chức đánh bạc online ngàn tỉ đã lãnh án.
Chín năm tù cho ông Vĩnh và 10 năm tù cho ông Hóa. Người thì nói mức án nhẹ vì biết luật mà cố tình phạm luật phải xử gấp đôi. Người thì cho rằng mức án đã tương xứng với hành vi phạm tội; ngoài bị phạt tù, phạt tiền, cái giá mà họ phải trả còn cao hơn rất nhiều.
Là người từng bắt giữ hàng trăm, ngàn tội phạm; từng có chức vụ cao trong ngành công an; có nhiều bằng khen, giấy khen và cả sự tôn vinh, ngưỡng mộ; là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, hơn ai hết trong số các bị cáo vụ án này, chắc hẳn ông Vĩnh, ông Hóa rất đau, rất thấm thía khi nghe tòa luận tội và tuyên án. Chỉ vì lòng tham, vì thiếu rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, họ đã từng bước sa ngã, bán đứng danh dự của bản thân và gia đình; chà đạp lên niềm tin của Đảng, nhân dân và đồng đội khi nhắm mắt cấu kết, bao che, nâng đỡ cho tội phạm.
Để rồi, không chỉ phải trả giá bằng những năm tháng tù tội mà rất lâu sau đó, sự hối tiếc, đau xót sẽ vẫn mãi còn đeo bám họ không thôi.
Để rồi, từ nay, họ không còn được người đời gọi là ông Tướng, thay vào đó họ bị gọi là tội phạm. Một vết nhơ khó gột rửa.
Ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tại phiên tòa (ảnh: Nguyễn Hưởng)
Nhưng, đáng nói hơn, trong khi ngày đêm các trinh sát không ngại hiểm nguy truy bắt tội phạm, ngăn chặn cái ác; các chiến sĩ cảnh sát PCCC lao mình vào biển lửa để cứu người; những người lính sống xa gia đình, chấp nhận gian khó canh giữ biên cương, hải đảo, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, bảo vệ chế độ; thì một số cán bộ ở vị trí lãnh đạo quan trọng như ông Vĩnh, ông Hóa lại lạm dụng quyền lực để trục lợi, tham nhũng, tạo sự bất công xã hội, gây mất niềm tin trong nhân dân.
Sự thật này đau lòng biết bao!
Đảng và nhà nước đã có những động thái hết sức quyết liệt trong xử lý tham nhũng, đưa ra nhiều đại án để xét xử. Điều này giúp cho Đảng càng trong sạch, càng vững mạnh, đem lại niềm tin cho nhân dân. Đồng thời là sự răn đe đối với những người dễ có "nguy cơ" phạm tội, rằng từng cá nhân ở mỗi cương vị, vị trí phải có sự rèn luyện, tu dưỡng; rằng, không thể dùng quyền lực để lợi dụng, khai thác vật chất cho bản thân, bởi không sớm thì muộn rồi cũng bị phát hiện và trả giá.
Cái giá phải trả không chỉ là bị tước hết quyền lực, tù tội và dư luận xã hội lên án mà như người xưa đã dạy: "Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ".
Bình luận (0)