Phân tích về những nguyên nhân dẫn đến tai nạn do ô tô “điên” gây ra trong thời gian gần đây, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị, cho rằng nguyên nhân chính là do xe chạy tốc độ cao, người điều khiển không làm chủ tay lái, không xử lý được tình huống.
Đừng nghĩ biết lái xe là đủ…
“Cái quan trọng vẫn ở quy trình đào tạo, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung giờ học lý thuyết và thực hành để học viên được đào tạo bài bản, linh hoạt xử lý khi gặp các tình huống xấu trong thực tế” - ông Thủy nói.
PGS-TS Phạm Bích San, nguyên Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đề nghị người lái xe cần phải được đào tạo về kiến thức luật pháp và kỹ năng lái xe kỹ lưỡng hơn. “Đừng nghĩ mình biết lái xe là đủ bởi đằng sau việc lái xe đó còn cần rất nhiều kiến thức khác nữa” - ông San nói.
Dẫn ví dụ một tình huống học lái xe ở nước ngoài, ông San kể: “Một người đi thi lấy bằng, đang lái ô tô để kiểm tra kỹ năng, bỗng nhiên giáo viên hô: “Dừng lại!”, anh ta dừng lại ngay. Người này bị đánh trượt vì không tuân thủ nguyên tắc người lái xe phải làm chủ phương tiện của mình chứ không máy móc theo mệnh lệnh của người khác”.
Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh), cho rằng trước đây, hầu như tất cả các trường đào tạo lái xe ở Việt Nam đều sử dụng xe số sàn (MT) để dạy nên các kỹ năng và tình huống xử lý là trên loại xe này, trong khi học xong, nhiều người lại sử dụng xe số tự động (AT). Hai loại xe này rất khác nhau về nguyên lý truyền động nên xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do người lái không được đào tạo một cách căn bản.
“Chính vì nghịch lý này, tôi đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phải có chương trình riêng đào tạo và cấp giấy phép lái xe (GPLX) số tự động. Bộ GTVT đã tiếp thu và quy định rất rõ trong Thông tư 58. Tháng 4 tới, chúng tôi tiến hành sát hạch khóa lái xe số tự động đầu tiên. Học viên được học, thực hành ngay trên xe số tự động. Điều này sẽ khắc phục lỗi nhầm chân ga với chân phanh mà nhiều người đang mắc phải” - ông Toản nói.
Theo ông Nguyễn Đại Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh), kinh nghiệm đào tạo lái xe số tự động là phải bảo đảm giờ lái cho học viên, đặc biệt là đào tạo các kỹ năng lái xe trên hình, trên đường và truyền tải những kinh nghiệm thực tế giao thông.
“Tâm lý sai lầm hiện nay là khi có bằng lái xe số sàn rồi, ai cũng nghĩ sẽ dễ dàng lái xe số tự động. Người lái xe số sàn, khi chuyển sang điều khiển xe số tự động không nên chủ quan mà cần trang bị cho mình những kỹ năng và hiểu biết đầy đủ về xe số tự động. Với những người xác định chỉ lái xe số tự động thì nên học chuyên lái xe số tự động để bảo đảm an toàn” - ông Sơn khuyến cáo.
Tăng thời lượng thực hành, kỹ năng
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết trong những năm qua, cùng với các bộ - ngành, địa phương, ngành GTVT đã luôn quan tâm đến việc hoàn thiện chương trình, thủ tục đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Nâng cao chất lượng, đặc biệt là chất lượng đào tạo kỹ năng lái xe an toàn, tăng thời lượng thực hành tay lái, siết chặt công tác sát hạch, trong đó đã thực hiện việc gắn camera và thiết bị giám sát hành trình lên phương tiện sát hạch để nâng cao tính minh bạch; đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho mọi người dân có nhu cầu được học, kiểm tra, sát hạch và nhận giấy phép lái xe.
“Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở đào tạo và một bộ phận cán bộ sát hạch chưa thực hiện nghiêm các quy định, buông lỏng, dễ dãi nhằm thu hút học viên. Đối với những tổ chức, cá nhân này, ngành GTVT đang thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật” - ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Thắng Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cũng cho hay trong Thông tư 58/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ có nhiều điểm mới so với các quy định cũ. Trong đó, đáng chú ý là bổ sung chương trình đào tạo, cấp GPLX số tự động và khâu sát hạch đường trường sẽ áp dụng công nghệ chấm điểm tự động.
“Một người lái xe tốt nghiệp phải lái được xe trên đường giao thông. Cách thi này sẽ kiểm tra khả năng lái của học viên một cách chính xác, ngăn các hành vi tiêu cực của sát hạch viên. Kể từ ngày 1-1-2016, việc đào tạo lái xe hạng B quy định thời gian tập lái trên đường làm quen với ô tô số tự động là 32 giờ trong tổng số 340 giờ thực hành (quy định cũ là 10 giờ) đối với hạng B1 và tổng số 420 giờ thực hành đối với hạng B2” - ông Quân thông tin.
Tính đến nay, cả nước có 324 cơ sở đào tạo lái ô tô và 105 trung tâm sát hạch lái xe. Năm 2015, đã đào tạo và cấp 512.760 giấy phép lái ô tô.
Bình luận (0)