Công an TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vừa phối hợp với đoàn liên ngành của UBND TP kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh đặc sản Sky (đường Nguyên Tử Lực, phường 8) và trung tâm mua sắm đặc sản HĐ (đường Trần Quốc Toản, phường 1).
Từ một clip, lộ nhiều bất cập
Qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện và lập biên bản cả 2 cơ sở này về các hành vi: không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa xuất trình được hợp đồng lao động và giấy khám sức khỏe của nhân viên…
Việc kiểm tra rồi phát hiện những vi phạm như trên xuất phát từ clip lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội hôm 17-7. Theo đó, một hướng dẫn viên du lịch thuộc Hiệp hội Du lịch tỉnh Khánh Hòa tên Phan Nguyễn Duy Anh đưa khách lên tham quan tại đồi Robin - khu du lịch cáp treo (phường 3, TP Đà Lạt) bằng xe 45 chỗ. Tại đây, hướng dẫn viên Duy Anh gặp Thái Hữu Thanh (tự Thanh "đen", ở phường 8). Thanh muốn lên xe do Duy Anh làm hướng dẫn viên để mời khách mua đặc sản mứt tại cơ sở kinh doanh Sky nhưng Duy Anh không đồng ý. Ngoài ra, Thanh còn cầm một bảng chữ (cỡ tờ giấy khổ A4) ghi nội dung ngụ ý nói hướng dẫn viên Duy Anh là "cò" và ngầm ăn chia với một cơ sở kinh doanh đặc sản có tên HĐ.
Hai bên sau đó cự cãi. Trong suốt thời gian cự cãi qua lại, Thanh thường xuyên dùng lời nói cũng như hành động tục tĩu để khiêu khích đối phương.
Theo người dân, ở TP Đà Lạt lâu nay có những chủ cửa hàng muốn bán sản phẩm cho khách du lịch nên thuê người dẫn dắt, giới thiệu, chèo kéo du khách (còn gọi là "cò") với thù lao hoa hồng cao. Bên cạnh "cò mứt", TP Đà Lạt còn nhiều "cò" khác như "cò vườn dâu", "cò du lịch", "cò khách sạn"… dẫn tới du khách dễ bị "hớ" bởi trả tiền cao hơn giá trị thực của hàng. Chuyện chèo kéo cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều sự việc lời qua tiếng lại như clip ở trên.
Một hiện tượng xấu nữa là nhiều cá nhân khi dẫn khách tới tham quan một địa điểm nào đó thì mặc nhiên nghĩ chủ địa điểm phải "chi tiền cảm ơn". Chị Huỳnh Thị Thu Hằng - chủ một khu du lịch canh nông ở phường 11, TP Đà Lạt - kể nỗi bức xúc khi vừa qua, khách đặt vé trên Fanpage và thuê xe chở đến Farm của chị. Tài xế vào gặp chị rồi nói rất tự nhiên: "Em chở khách đến, cho em xin 30% tiền vé".
"Nói thiệt, lần đầu tiếp xúc tài xế như vậy, mình rất bực bội và từ chối ngay. Doanh nghiệp mình phải đầu tư tài chính và nhân lực tiêu tốn hàng tỉ đồng, trừ các chi phí thì lợi nhuận cũng chỉ được 30% trên vé dịch vụ bán ra. Tài xế chở khách đến đã lấy tiền vận chuyển và muốn có thêm 30% tiền vé khách mua dịch vụ là quá đáng. Doanh nghiệp mà ăn chia kiểu đó với tài xế thì chỉ có đè khách ra mà móc túi tiền" - chị Hằng thẳng thắn.
Vụ việc lời qua tiếng lại giữa hướng dẫn viên du lịch và một người tiếp thị mứt gây nên cái nhìn thiếu thiện cảm cho du khách
Sẽ chấm dứt hiện tượng "cò"
Nói về những rắc rối của du lịch địa phương do "cò" gây ra, ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, cho biết vừa có tờ trình về việc thành lập Tổ Kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh hàng đặc sản. Tổ này có nhiệm vụ chấn chỉnh hoạt động kinh doanh không lành mạnh, hạn chế và tiến tới chấm dứt việc sử dụng "cò" gây rối an ninh trật tự, chèo kéo khách gây phản cảm.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Cứ, việc thành lập 2 tổ kiểm tra giám sát có sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 389 với Phòng Kinh tế, Đội Cảnh sát kinh tế, Đội Quản lý thị trường số 1 và đại diện UBND các phường trên địa bàn TP Đà Lạt. Lực lượng này sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát, các cơ sở kinh doanh có sử dụng hoạt động tiếp thị kém lành mạnh trên địa bàn thành phố và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Trường hợp vi phạm nhiều lần thì lập hồ sơ đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh theo quy định.
"Ngoài ra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng tiếp thị thiếu văn hóa, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông" - Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, những hình ảnh xấu nêu trên tạm lắng rất lâu rồi nay mới xuất hiện lại tại Đà Lạt. Ông Vân cho hay ngành du lịch tỉnh sẽ vào cuộc xử lý nghiêm nhằm mang lại hình ảnh du lịch Đà Lạt thân thiện, mến khách.
Vì lợi nhỏ mà quên trách nhiệm lớn
Theo ông Lê Trọng Hoàng, chủ một cơ sở lưu trú ở Đà Lạt, đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, dù các cơ sở lưu trú tại thành phố còn trống hơn 30% số phòng nghỉ nhưng "cò du lịch" tung tin thiếu chính xác, đồn thổi, gây sốt phòng ảo hòng kiếm lợi lớn.
Họ đăng tải rầm rộ trên mạng xã hội là Đà Lạt "cháy phòng" khiến những người có dự định tới thành phố này lo lắng rồi sốt sắng đặt giá dịch vụ cao chót vót, khi tới du lịch mới thấy sự thật không như vậy nên có tâm lý như bị lừa gạt. "Nếu cứ còn tình trạng này, về lâu dài, ngành du lịch địa phương sẽ bị tổn thương" - ông Hoàng lo ngại.
Bình luận (0)