Nghe thông báo về việc giãn cách xã hội trong 15 ngày, chị Quách Mỹ Linh (SN 1978), tiểu thương chuyên bán nón tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM) quyết định ngừng kinh doanh, dành toàn bộ thời gian tự làm 500 miếng chắn đội đầu ngăn giọt bắn, ngừa virus SARS-CoV-2. Để hoàn thiện cần trải qua nhiều công đoạn, chị Linh đã nhờ đến sự giúp đỡ của các thành viên khác trong nhóm thiện nguyện Xuân yêu thương.
Những miếng chắn tự chế kỳ công
Vốn là kiến trúc sư nhưng thời gian thực hiện giãn cách xã hội này, anh Trần Ngọc Ân (SN 1975, ngụ quận Bình Thạnh), trưởng nhóm thiện nguyện Xuân yêu thương, có được nhiều thời gian rảnh hơn. Biết được ý tưởng của chị Linh, anh tổ chức cho các thành viên cùng thực hiện nhằm nhanh chóng tăng số lượng để gửi tặng cho nhiều bệnh viện (BV) ở TP HCM.
Đến thời điểm này nhóm đã làm được hơn 1.800 sản phẩm, gửi tặng y - bác sĩ ở 8 BV của TP HCM. Sắp tới, nhóm sẽ gửi tặng cho 2 BV nữa, nâng số lượng lên 2.000 sản phẩm.
Chị Quách Mỹ Linh thực hiện công đoạn gắn mút xốp lên miếng chắn giọt bắn
Khác với loại miếng chắn đội đầu ngăn giọt bắn bán trên thị trường, sản phẩm do nhóm tự chế có nhiều đặc điểm ưu việt hơn. Miếng chắn được làm từ tấm PET nhựa độ dày vừa phải, khó trầy xước. Kích thước 40x24 cm, có dây rút theo từng kích cỡ đầu. Các cạnh bên được bọc viền vải, tránh rủi ro gây trầy xước mặt cho người sử dụng. Phần tiếp xúc với đầu được lót mút xốp mềm vừa giúp tạo được một khoảng trống trước mặt (hạn chế tình trạng hơi thở gây ra lớp sương mờ trước mặt) vừa có khả năng thấm hút mồ hôi, mang lại cảm giác dễ chịu cho người dùng dù phải sử dụng thời gian dài.
Để có được thiết kế hoàn chỉnh như hiện tại, chị Linh phải tốn khá nhiều thời gian tìm tòi, sáng tạo. "Tôi tham khảo qua cả các website nước ngoài, đặc biệt nhờ những tư vấn, góp ý của một người chị đang là bác sĩ ở Mỹ mới cho ra được sản phẩm ưng ý" - chị Linh cho biết.
Chuỗi ngày khó quên
Sau khi được cắt từ tấm PET nhựa, những miếng chắn này sẽ được gửi đi may viền vải. Sau đó được chuyển về nhà của chị Võ Thị Mỹ Linh (SN 1985), thành viên của nhóm để tiếp tục gia công đến khi hoàn chỉnh. Nhóm có 9 thành viên nhưng thường luân phiên tham gia nhằm hạn chế tụ tập, luôn giữ khoảng cách với nhau và bảo đảm đeo khẩu trang đúng quy định.
"Chúng tôi mong muốn qua những miếng chắn hỗ trợ phòng dịch không chỉ cổ vũ tinh thần cho đội ngũ các "chiến binh áo trắng" mà còn có thể truyền đi thông điệp về ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, trên mỗi miếng chắn đều được dán thông điệp: "Chống đại dịch Covid-19. Hãy vững tin vì chúng tôi luôn bên bạn". Ở chiều ngược lại, khi người bệnh đọc được thông điệp này từ y - bác sĩ, họ sẽ thêm phần an tâm hơn" - anh Ân chia sẻ.
Mỗi thành viên đảm nhận một công đoạn từ dán decal thông điệp, dán mút xốp, xỏ nút dây rút đến việc vệ sinh từng sản phẩm. Được tận mắt chứng kiến hình ảnh những tình nguyện viên cặm cụi với công việc của mình từ sáng sớm đến tối để kịp gửi sản phẩm đến các y - bác sĩ mới thấy được rằng mỗi sản phẩm không đơn thuần là vật dụng hỗ trợ phòng dịch mà còn chứa đựng biết bao tình cảm của người làm ra.
Hằng ngày, lặn lội từ huyện Bình Chánh đến điểm "tập kết" ở quận Phú Nhuận, TP HCM để được chung tay, đóng góp công sức cùng mọi người, cô Phạm Thị Mỹ Lệ (SN 1965) bộc bạch: "Đây quả thật là chuỗi ngày khó quên nhưng vô cùng ý nghĩa vì tôi đã được đóng góp một phần công sức của mình trong cuộc chiến chống dịch của cả nước".
Anh Ân cho biết thêm trong thời gian tới, nếu tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, nhóm sẽ vận động hỗ trợ để có thể làm được nhiều sản phẩm hơn để tặng các y - bác sĩ.
Câu chuyện về việc làm ý nghĩa do nhóm thiện nguyện của anh Ân, chị Linh thực hiện được hãng tin Reuters biết đến và chia sẻ. Ngay sau đó nhiều tờ báo quốc tế đồng loạt dẫn lại câu chuyện này.
Bình luận (0)