Sáng 13-4, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Ban Quản lý Đường sách Buôn Ma Thuột và một số đơn vị đã đưa máy cấp phát gạo tự động miễn phí cho người nghèo, còn được người dân gọi vui là "ATM gạo".
Lan tỏa mô hình đến các địa phương
Từ sáng sớm, hàng chục người nghèo trên địa bàn đã về đường sách Buôn Ma Thuột, nơi đặt "ATM gạo" nghĩa tình. Tất cả đều được hướng dẫn xếp hàng, đứng cách xa nhau theo quy định, rửa tay khử khuẩn trước khi nhận gạo. Theo kế hoạch, "ATM gạo" này sẽ duy trì hoạt động đến ngày 30-4.
Bà Nguyễn Thị Liên (ngụ TP Buôn Ma Thuột) cho biết hằng ngày vợ chồng bà cùng đi bán vé số để trang trải cuộc sống. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng bà thất nghiệp nên cuộc sống rất khó khăn. "Sáng nay, nghe tin phát gạo tôi vui quá, tới nhận về lo bữa cơm trưa cho vợ chồng" - bà Liên kể.
Người khó khăn đến nhận gạo ở TP Buôn Ma Thuột Ảnh: CAO NGUYÊN
Còn bà Lê Thị Thơm (ngụ TP Buôn Ma Thuột ) cho biết rất xúc động khi được nhận gạo trong thời điểm khó khăn này. "Hằng ngày, tôi luộc đậu phộng bán ở các quán, bây giờ quán đóng cửa, không ai mua nên chưa biết phải làm sao. Xin cảm ơn tất cả mọi người đã chung tay giúp những người nghèo như tôi trong giai đoạn này" - bà Thơm nói.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Thuận, sáng cùng ngày, anh Phan Ngọc An - một doanh nhân ở TP HCM có quê ở phường Mũi Né, TP Phan Thiết - cũng bỏ tiền túi mua 10 tấn gạo, phối hợp với UBND phường Mũi Né triển khai mô hình này. "Tôi cảm thấy trong thời điểm dịch phức tạp, nhiều người bị mất việc, không có thu nhập nên cá nhân cần có chút đóng góp cho quê hương. Nên tôi xây dựng điểm phát gạo góp phần hỗ trợ an sinh cho bà con" - anh An cho biết. Ngay trong buổi đầu tiên (13-4) đã có gần 1.000 người có hoàn cảnh khó khăn đến nhận gạo với định mức mỗi hộ 2 kg/ngày.
Cùng thời gian này, tại trụ sở UBND phường 8, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), hàng trăm hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đã xếp hàng để nhận gạo tại cây "ATM gạo" đầu tiên ở Cà Mau. Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường 8, cho biết do chứng kiến nhiều gia đình gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ông cùng một số người bạn lên ý tưởng xây dựng "ATM gạo" tự động, với tinh thần: "Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn thì nhường cho người khác".
Sau Cà Mau, vài hôm nữa tại Bạc Liêu cũng sẽ xuất hiện một "ATM gạo" để giúp đỡ những người dân khó khăn.
Chung tay hỗ trợ người nghèo
Chứng kiến cảnh những người khó khăn đến nhận gạo ở đường sách Buôn Ma Thuột, anh Trần Văn Hùng (ngụ TP Buôn Ma Thuột) không khỏi xúc động. Anh Hùng cho biết anh đã ủng hộ 5 tạ gạo cho cây "ATM" để giúp bà con. "Trước tình hình dịch dẫn đến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn nên gia đình tôi chỉ góp một phần nhỏ của mình để hỗ trợ những người nghèo" - anh Hùng bày tỏ.
Chiếc máy "ATM gạo" tại đường sách Buôn Ma Thuột được thiết kế, cải tiến bởi anh Bùi Tuấn Anh (thí sinh top 10 Cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk 2018). Chiếc máy sử dụng hệ thống cảm biến tự động, khi người tới nhận gạo sẽ không cần chạm vào nút bấm, chỉ cần quét tay cách 5 cm với vị trí lấy gạo thì hệ thống sẽ tự chảy ra 2 kg gạo vào túi. Ngoài việc quét tay, người nhận gạo có thể chỉ cần đạp chân vào một chiếc máy đặt sẵn dưới đất thì gạo cũng sẽ tự động chảy ra.
Ông Dương Ngọc Lợi (người thiết kế cây "ATM gạo" ở phường 8, TP Cà Mau) chia sẻ: "Cây "ATM gạo" được thiết kế với bồn chứa gạo ở trên, do có hệ điều khiển trung tâm và cảm ứng quang nên khi người dân nhận gạo chỉ cần đưa tay vào vị trí biểu tượng mà không cần chạm thì gạo sẽ theo ống từ bồn đổ xuống với một lượng nhất định".
Nhóm thiết kế điểm phát gạo này đã chuẩn bị 6 tấn gạo cho những ngày đầu. Nhiều mạnh thường quân thấy được ý nghĩa thiết thực của nhóm đã góp thêm 6 tấn gạo để phát trong những ngày tới. Một mạnh thường quân chia sẻ: "Hình thức giúp gạo này rất tế nhị, người khó khăn không phải nhận trực tiếp từ tay người khác nên sẽ đỡ ngại. Tôi mong mọi người chung tay giúp đỡ nhau vượt qua những ngày căng thẳng này".
Sẽ tiếp tục sau mùa dịch
Ông Bùi Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Mũi Né (TP Phan Thiết), cho biết việc phát gạo miễn phí sẽ được duy trì liên tục để hỗ trợ người nghèo trong mùa dịch và nếu có khả năng thì sẽ thực hiện tiếp khi dịch đã hết. "Ngoài 10 tấn gạo của anh Phan Ngọc An hỗ trợ thì sáng nay sau khi triển khai mô hình, đã có nhiều mạnh thường quân khác đến đóng góp gạo. Hiện tại phường đã nhận được trên 15 tấn gạo, bảo đảm duy trì hoạt động của điểm phát gạo thường xuyên. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục kêu gọi các mạnh thường quân chung tay đồng lòng để chia sẻ khó khăn với người nghèo" - ông Lâm cho hay.
Còn nhóm thiết kế "ATM gạo" tự động ở Cà Mau cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân khó khăn cho đến hết mùa dịch. Sau mùa dịch, "ATM gạo" vẫn tiếp tục duy trì.
Bình luận (0)