Diễn đàn "Nghĩ về một chữ Tiền" đăng trên Báo Người Lao Động đã nhận được nhiều bài viết của bạn đọc. Mỗi tác phẩm là mỗi cảm nhận khác nhau, từ chính cuộc sống cá nhân và bạn bè người viết. Tuy nhiên, dù khẳng định tiền rất quan trọng, thậm chí có vai trò quyết định thì hầu hết các ý kiến đều cho rằng tiền chỉ là phương tiện, không phải là mục đích sống.
Tiền rất quan trọng
Tháng 1-2019, một vụ tai nạn giao thông ở Bình Dương đã cướp đi sinh mạng của đôi vợ chồng trẻ, để lại 3 đứa con thơ dại, người cha vợ bệnh tật, người mẹ chồng vất vả quanh năm với công việc cạo mủ cao su vẫn chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Đám tang vắng lặng, không một vòng hoa, ngay cả quan tài cũng không có tiền trả.
Xót xa trước hoàn cảnh của gia đình họ, đặc biệt là nỗi bất hạnh của 3 đứa trẻ cùng lúc mồ côi cả cha lẫn mẹ (đứa lớn nhất 6 tuổi, nhỏ nhất 1 tuổi), Báo Người Lao Động đã làm cầu nối kêu gọi lòng hảo tâm của xã hội. Mong muốn của chúng tôi lúc đó chỉ là làm sao có đủ số tiền mai táng cho đôi vợ chồng trẻ và dư ra chút đỉnh để có thể giúp các con của họ có cái ăn, cái mặc trong giai đoạn đầu, rồi tính tiếp.
Khi bài đăng trên Báo Người Lao Động Online được vài giờ, những đồng tiền đầu tiên được bạn đọc gửi đến khiến chúng tôi mừng rơi nước mắt, bởi đã có thể lo được cho cha mẹ các cháu mồ yên mả đẹp. Ngày hôm sau, tiền ồ ạt đổ về, tăng nhanh theo từng giờ. Số tiền cán mốc 1 tỉ, 2 tỉ, 3 tỉ rồi vượt 4 tỉ đồng. Thật sự chưa bao giờ chúng tôi hồi hộp, cảm nhận rất rõ ràng, cụ thể tiền quan trọng đến thế. Ít ra là qua trường hợp cụ thể này. Nếu không có những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, công sức của hàng ngàn trái tim nhân ái của bạn đọc Báo Người Lao Động, tương lai các cháu sẽ ra sao? Nhờ có tiền, nỗi đau đớn, mất mát và những thiệt thòi của 3 đứa trẻ mồ côi đã vơi đi phần nào; đồng thời bảo đảm cho các cháu một tương lai không đói nghèo và được học hành đàng hoàng. Tiền đã phát huy tối đa mặt tích cực, là phương tiện đem lại hạnh phúc cho các cháu và những người giúp các cháu.
Nhờ những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, công sức của hàng ngàn trái tim nhân ái của bạn đọc Báo Người Lao Động, 3 cháu bé mồ côi đã sớm ổn định cuộc sốngẢnh: Như Phú
Nhưng không phải mục đích sống
Như vậy, có thể khẳng định tiền rất quan trọng. Không có tiền, khó thực hiện nhiều thứ trong cuộc sống. Không có tiền, có thể sẽ không có hạnh phúc, sức khỏe, thậm chí tính mạng. Nhưng tiền không phải là tất cả, không thể cho người ta hạnh phúc, sức khỏe, sự an yên. Như câu chuyện mà bạn đọc Hân Triệu, Ngọc Bích Ly, Nguyễn Hồng Huấn… chia sẻ trên diễn đàn "Nghĩ về một chữ Tiền" của Báo Người Lao Động.
Khi phải chạy ăn từng bữa, lo ngay ngáy chi phí sinh hoạt, ăn uống, học hành, chữa bệnh...; khi sống trong một gia đình nghèo khó, bạo lực gia đình triền miên chỉ vì không có tiền…; người ta sẽ quay quắt với câu hỏi: "Làm gì để có nhiều tiền?". Nhưng rồi đến một ngày, nhìn đâu cũng thấy tiền, búng nhẹ tay một phát cũng ra tiền thì con người lại thảng thốt nhận ra "Tiền nhiều mà làm gì" khi không thể mua được trí tuệ, sức khỏe, hạnh phúc, sự an yên cho gia đình và bản thân cùng nhiều thứ khác. Cay đắng hơn, tiền không mua được tất cả nhưng có thể làm người ta mất đi tất cả. Người nghèo khổ vì không có tiền đã đành, người giàu cũng khổ vì có nhiều tiền.
Vấn đề còn lại chính là ứng xử như thế nào với tiền để tiền đáp ứng được những yêu cầu thiết yếu, bảo đảm chất lượng cuộc sống; tạo ra những giá trị và sự khác biệt; xây dựng một cuộc sống hạnh phúc: no đủ về vật chất và thoải mái về tinh thần; đồng thời, đem lại nhiều lợi lộc cho xã hội. Còn khi quá ham mê tiền tài, lạm dụng sức mạnh của đồng tiền thì sẽ dễ bị đồng tiền sai khiến làm điều sai trái, vô đạo và đương nhiên hạnh phúc đích thực cũng trở nên xa vời.
Bình luận (0)