Tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, thôn Bồng Lai 2 có 188 hộ còn thôn Bồng Lai 1 có 212 hộ. Ở đây, bốn bề được bao quanh bởi núi rừng.
Cuộc sống chật vật
Nhiều năm nay, người dân 2 xã thiếu đất để trồng keo bởi đất hầu hết được giao cho Lâm trường Bồng Lai (nay là Đội Sản xuất Bồng Lai thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình) quản lý. Vì nghèo, người dân liên tục đòi đất lâm nghiệp để tăng gia sản xuất.
Năm 2017, công ty cắt về cho UBND xã Hưng Trạch hơn 350 ha đất rừng sản xuất, số đất này được chia cho các hộ ở 2 thôn. Người dân cho rằng số hộ quá đông nhưng giao chỉ chừng ấy diện tích nên không thấm tháp vào đâu.
Do đó, họ phải "thuê đất" Công ty Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình. Nghĩa là, nhận khoán lại đất của công ty rồi mua giống, bỏ công chăm sóc, bảo vệ… đến kỳ khai thác sản phẩm thì chia theo tỉ lệ. Tùy từng khu vực đất mà tỉ lệ này là người dân 50%, công ty 50% hoặc 30%-70% (công ty hỗ trợ 3 triệu/ha mua giống). Với tỉ lệ 20%-80%, là khu vực đất quá xấu thì người dân phải bỏ tiền đầu tư toàn bộ.
Theo người dân, mỗi hecta đất chỉ trồng hơn 3.000 cây keo, một vụ kéo dài 5 năm mới thu hoạch. Trung bình mỗi hecta trừ chi phí thì lời trong khoảng 45-50 triệu đồng, sau khi chia theo tỉ lệ thì chẳng được là bao.
Ông Hoàng Văn Hà, Trưởng thôn Bồng Lai 1, kể thôn có hàng chục trường hợp thuộc hộ nghèo. Bà con sống chủ yếu dựa vào núi rừng nhưng đất đai thì nhà nước lại giao hết cho doanh nghiệp quản lý. Sống bên rừng nhưng không có đất, phải nhận khoán lại để trồng cây nên thiệt đơn, thiệt kép.
Người dân xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình dù sống cạnh rừng nhưng vẫn nghèo vì thiếu đất sản xuất
Để đôi bên cùng có lợi
Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch, xác nhận Công ty Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình được tỉnh giao quản lý và sử dụng hàng trăm hecta đất lâm nghiệp ở địa phương này.
Ông Đinh Xuân Hòa, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Bồng Lai 2, cho biết hầu hết công việc người dân tự tay làm từ trồng, chăm sóc, đào hào bảo vệ, thu hoạch... Doanh nghiệp chỉ việc ngồi không và hưởng phần trăm sản phẩm trong 1 mùa keo kéo dài tận 5 năm.
Sau đó, công ty cho người dân thuê lại bằng hợp đồng giao khoán và ăn chia theo tỉ lệ. Vì thiếu đất sản xuất nên cuộc sống người dân cơ cực và cũng chính vì lẽ đó nên thời gian qua xảy ra tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai, phá rừng tự nhiên gây mất an ninh trật tự.
"Dù đất nhà nước đã giao cho công ty nhưng địa phương cũng mong muốn công ty tạo điều kiện chia theo tỉ lệ phù hợp để đôi bên cùng có lợi" - ông Sơn bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Quang Đảm, Giám đốc Công ty Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình, cho biết hiện công ty được tỉnh giao quản lý, bảo vệ hơn 30.000 ha rừng. Trong đó, 25.000 ha là rừng tự nhiên và 5.000 ha còn lại là rừng sản xuất chủ yếu trồng cây keo, thông.
Riêng tại xã Hưng Trạch, Đội Sản xuất Bồng Lai quản lý gần 640 ha đất rừng sản xuất với nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng. Diện tích đất rừng chủ yếu là trồng keo, công ty sử dụng theo hình thức tự sản xuất và khoán cho 178 hộ dân.
Theo ông Đảm, vừa rồi người dân xã Hưng Trạch có kiến nghị chia theo tỉ lệ 20%-80% ở mọi khu vực, công ty và các hộ dân nhận khoán cùng đại diện UBND xã đã có buổi làm việc, tuy nhiên chưa thể đi đến thống nhất phương án phù hợp. Riêng công ty đề nghị cho người dân nhận khoán ở mức 30%-70%. Nếu 20%-80% thì cao quá, doanh nghiệp không có lợi nhuận...
Phải tìm sinh kế ở vùng đất khác
Người dân xã Hưng Trạch kể mỗi hộ được chia chưa đến 2 ha đất lâm nghiệp. Cũng vì thiếu đất, nên tỉ lệ thất nghiệp ở địa phương này gia tăng đáng kể. Để có thu nhập, nhiều lao động phải bỏ xứ vào TP HCM và các tỉnh phía Nam để tìm việc làm.
Ông Hoàng Văn Đương (57 tuổi) cho biết hộ ông được chia gần 2 ha đất để sản xuất. Vì thiếu cái ăn nên ông nhận khoán thêm của công ty 3,9 ha nữa để trồng keo với hy vọng tăng thêm thu nhập cho gia đình nhưng vụ keo vừa rồi giá thành xuống nên chẳng lời lãi là bao.
"Nhà cửa xập xệ, có đến 5 miệng ăn, đất sản xuất quá ít nên không biết lúc nào gia đình mới thoát nghèo, khấm khá lên được" - ông Đương than.
Bình luận (0)