Từ ngày 1-7-2016, Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015 (BLHS 2015) chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới nổi bật đáng chú ý.
Quy định rõ hơn về tội ngoại tình, cản trở ly hôn
Điều 182 BLHS 2015 quy định: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: a. Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; b. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Trường hợp làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát hay đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Như vậy, BLHS 2015 quy định chi tiết, rõ ràng về “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” hơn BLHS 1999.
Ngoài ra, điều 181 BLHS 2015 có một điểm mới so với điều 146 BLHS 1999, đó là bên cạnh quy định xử lý đối với người cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, điều 181 BLHS 2015 còn quy định thêm hành vi cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì cũng bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Một bị cáo bị TAND TP HCM tuyên tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy. Ảnh: Hồng Nhung
Sa thải trái luật, coi chừng ở tù 3 năm
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại điều 162 BLHS 2015. Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: a. Sa thải trái pháp luật đối với người lao động; b. Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức; c. Cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc.
Nếu phạm tội đối với 2 người trở lên; phụ nữ mà biết là có thai; người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát thì bị phạt tiền từ 100-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
So với điều 128 BLHS 1999, nội dung của điều 162 BLHS 2015 được quy định chi tiết và rõ ràng hơn.
BLHS 2015 tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy.
75 tuổi trở lên không bị tử hình
Tại điều 18 BLHS 2015 về che giấu tội phạm có điểm khác với quy định tại điều 21 BLHS 1999. Cụ thể, người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại điều 389 BLHS 2015.
BLHS 2015 mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình mà chuyển thành tù chung thân. Cụ thể, ngoài trường hợp người bị kết án là phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định hiện hành, bổ sung thêm 2 trường hợp: người bị kết án là người từ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Bình luận (0)