Sáng 20-8, hơn 200 phụ nữ trên địa bàn quận 3 (TP HCM) đã tham dự phiên tòa giả định có chủ đề Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Chương trình do UBND quận 3 phối hợp với Chi hội luật sư – Hội bảo vệ quyền trẻ em TP HCM tổ chức.
Theo kịch bản phiên tòa giả định, tòa án đưa vụ án Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có bị cáo tên Ngô Huy Sanh ra xét xử sơ thẩm.
Bị cáo Ngô Huy Sanh và bà Nguyễn Thị Tuyết kết hôn từ năm 2008. Quá trình chung sống bị cáo nhiều lần chửi mắng, đánh đập vợ. Tối 2-5-2019, bị cáo Ngô Huy Sanh đi nhậu về. Hai vợ chồng có lời qua tiếng lại. Sanh đánh vợ dập lách, với tỉ lệ tổn thương cơ thể 35%. Kết quả phiên tòa, bị cáo nhận mức án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác".
Một cảnh trong phiên tòa giả định
Kết thúc phiên tòa giả định, nhiều người biết thêm cách sử dụng đúng đắn "lá chắn" pháp luật khi đương đầu với vấn nạn bạo hành, như: những quy định pháp luật liên quan đến truy tố, xét xử người có hành vi bạo hành; địa chỉ tổ chức bảo vệ quyền lợi nạn nhân; hay cách trình báo, kêu cứu có hiệu quả…
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư - Hội bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, cho biết trong thời gian tới, chi hội sẽ phối hợp với các quận, huyện tổ chức phiên tòa giải định để tuyên truyền pháp luật, tiếp cận và trợ giúp những chị em đã, đang chịu cảnh bạo hành nhưng không biết cách tự bảo vệ bản thân.
"Chúng tôi hi vọng những người có hành vi bạo hành phụ nữ, trẻ em xem phiên tòa như bài học cảnh tỉnh rằng mọi hành vi trái đạo đức, pháp luật đều không thoát hậu quả như vậy" – luật sư Nữ nhấn mạnh.
Theo luật sư Nữ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 1-7-2008. Từ đó đến nay, nhà nước ban hành nhiều văn bản tổ chức thực hiện; tổ chức xã hội, chính quyền địa phương có không ít biện pháp ngăn chặn nạn bạo lực trong gia đình. Nhưng luật sư Nữ cho rằng đây là vấn đề khó vì nạn nhân thường giấu kín sự việc, đặc biệt là đối với những gia đình có học thức, tiếng tăm.
Theo một nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam, hơn một nửa phụ nữ Việt có nguy cơ bị bạo lực tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Báo cáo nêu rõ 32% phụ nữ từng kết hôn tham gia cuộc nghiên cứu cho biết họ có trải qua bạo lực thể chất. Đáng nói, tất cả phụ nữ tham gia khảo sát trải qua bạo lực thể chất và tình dục thì đồng thời cũng chịu bạo lực tinh thần.
Bình luận (0)