Để TP HCM tươi đẹp, xanh và sạch, nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng chính quyền TP HCM cần có chương trình hành động cụ thể, quyết liệt; thay đổi cách làm để thông tin tuyên truyền đến được với từng người dân, qua đó làm thay đổi suy nghĩ, hành vi, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Những mong ước rất đỗi bình thường nhưng thiết thực được những bạn trẻ, những công nhân vệ sinh, những nhà kinh doanh gửi gắm đến lãnh đạo TP thông qua Báo Người Lao Động dịp đầu năm mới 2020.
Anh Đoàn Minh Chí, Trung tâm quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT TP HCM):
Kỳ vọng thành phố đột phá giảm ô nhiễm môi trường!
Năm 2020, là người trẻ, rất quan tâm lĩnh vực môi trường, tôi mong muốn TP giải quyết 3 vấn đề:
- Thứ nhất: Giải quyết trình trạng ô nhiễm không khí của TP. Trong bầu không khí ô nhiễm, chúng ta không thể có chất lượng sống tốt. TP nên tăng thêm việc các trạm quan trắc chất lượng môi trường từ quan trắc nước đến không khí, tiếng ồn...Hiển thị các chỉ số này trên các app, website, cổng thông tin điện tử nhằm giúp người dân chủ động phòng chống và có hướng xử lý hiệu quả khi di chuyển, lao động và học tập (nhằm hạn chế tác hại của bụi mịn, ô nhiễm không khí đến sức khỏe, tinh thần và chất lượng cuộc sống).
Anh Đoàn Minh Chí
- Thứ hai: Trong những năm tới, với tác hại của biến đổi khí hậu sẽ gây ngập nhiều hơn cho TP HCM. Cộng với lượng rác thải nhựa không được thu gom và xử lý sẽ tăng thêm tác hại kép cho TP như thời gian ngập sẽ lâu hơn, nước tù đọng gây dịch bệnh, sốt xuất huyết, ô nhiễm nước ngầm…
Do đó, chính quyền TP phải có chương trình hành động nhằm hạn chế sử dụng nhựa 1 lần. Hiện nay, các cơ quan đơn vị đã bắt đầu không dùng chai nhựa 1 lần để hội họp…, nên nhân rộng chủ trương này đến các trường học, bệnh viện, các chợ, siêu thị.
Bên cạnh đó, việc đánh thuế túi ni lông, đồ nhựa sử dụng 1 lần cũng nên đẩy mạnh, khuyến khích người dân mang theo giỏ, hộp đựng mỗi khi mua thực phẩm bên ngoài.
- Thứ ba, tôi mong muốn TP tiếp tục hỗ trợ thực hiện các dự án môi trường, các hoạt động dự án nhằm giúp hai hoạt động trên được lan rộng đến với học sinh và thanh niên của TP.
Bằng kiến thức và hành động cụ thể, tôi mong muốn xây dựng trường học xanh, thư viện xanh với việc làm cụ thể là phân loại rác, chia sẻ các kiến thức về môi trường và cùng thực hiện các hoạt động trồng cây xanh, thu gom rác thải nhựa, vẽ tranh tuyên truyền môi trường.. để chính học sinh và thanh niên sẽ là hạt giống xanh lan tỏa đến gia đình và cộng đồng.
Anh Nguyễn Phú Hộ (31 năm làm công nhân vệ sinh tại Công ty Thoát nước đô thị chi nhánh Bắc TP):
Mong người dân bớt xả rác ra đường!
Mỗi tháng hơn 20 ngày trực tiếp chui xuống lòng cống để vệ sinh (hốt bùn, hốt rác), những công nhân vệ sinh như chúng tôi không mong muốn gì hơn là mỗi người dân hãy ý thức hơn, chung tay bảo vệ môi trường.
Hơn 30 năm làm công việc này, tôi chưa thấy cống rãnh sạch hơn, mà lượng rác vẫn cứ nhiều, nhất là rác thải nhựa như túi ni lông, hộp sữa, hộp xốp, chai nước… Những thứ rác này không phân hủy, nằm mãi trong lòng cống nếu không vớt lên sẽ gây ngập và gây ô nhiễm nguồn nước.
Anh Nguyễn Phú Hộ
Ngoài rác, chúng tôi không ít lần "suýt phỏng" vì những lò nước sôi nhuộm vải của các cơ sở, xí nghiệp xả thẳng ra cống. Toàn những thứ nước xanh, đỏ, vàng, chứng tỏ nước thải chưa qua xử lý, chắc chắn sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Rồi mỡ dầu từ các cửa tiệm nấu ăn cũng không được xử lý, người ta cứ đổ thẳng xuống cống làm tắc nghẽn đường cống, vệ sinh rất khó khăn.
Công việc của chúng tôi tuy vất vả nhưng mỗi ngày chỉ cần nhận 1 tín hiệu tích cực từ người dân trong việc bảo vệ môi trường là chúng tôi vui lắm rồi, như hôm kia có cháu bé nhất định cầm hộp sữa trên tay mang về nhà mà không dám ném xuống đường dù mẹ bé cứ thúc. Hay một cụ già khệ nệ xách giỏ đi chợ để hạn chế rác ni lông cũng là tín hiệu vui…
Bước sang thập niên mới, tôi không mong muốn gì hơn là người dân hãy chung tay bảo vệ môi trường, giảm xả rác ra đường phố, kênh rạch. Muốn như vậy, chính quyền TP cần xử lý nghiêm những trường hợp xả rác sai quy định. Những cơ sở sản xuất bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải đàng hoàng trước khi thải xuống cống. Hãy nghĩ tới môi trường cho con cháu chúng ta 20 – 30 năm sau và hơn thế nữa.
Bình luận (0)