xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người nghèo nghĩa hiệp (*): Mình là người dân thành phố…

Sỹ Hưng - Thành Đồng

Bất chấp hiểm nguy, nhọc nhằn, khó khăn, họ chống lại kẻ xấu hoặc chắt chiu, dành dụm giúp người bất hạnh được mai táng miễn phí. Đơn giản chỉ vì là người dân TP, phải làm chút gì cho nơi mình sống

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Ra (54 tuổi; phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM) khi ông đang miệt mài ngồi xắt từng miếng gừng để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn trong quận Thủ Đức. “Ngoài chạy xe ôm, nghề tay trái này cũng giúp tôi trang trải phần nào cuộc sống gia đình” - ông Ra khoe.

“Hiệp sĩ” xe ôm vùng ven

Gợi chuyện bắt cướp, ông Ra hồ hởi kể lúc mới hành nghề chạy xe ôm, chứng kiến cảnh một nữ công nhân bị cướp sạch tài sản đứng khóc nức nở, ông rất căm giận kẻ cướp. Những lần sau đó, hễ gặp cướp, ông quyết tâm bắt cho bằng được dù không ít lần vì bắt cướp mà hư hỏng xe máy, thậm chí bị thương nghiêm trọng, suýt mất mạng; cũng không ít lần vợ ông khuyên đừng lo chuyện người khác mà thiệt thân nhưng hễ ra đường mà thấy chuyện xấu, ông không thể làm ngơ được.

Có thời gian, ông cất công theo dõi cặp vợ chồng hờ nghiện ma túy, thực hiện hàng chục vụ cướp giật tài sản ở quận Thủ Đức. Một hôm, đang đậu xe trên đường Kha Vạn Cân, nghe tiếng tri hô, sau đó thấy đôi nam nữ đi trên xe máy chạy về hướng Quốc lộ 1. Ông rượt theo, đến gần cầu vượt Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) thì mất dấu.

Khoảng 3 năm sau, ông vừa đón khách về đến chợ Thủ Đức thì tình cờ phát hiện đôi vợ chồng này đang lảng vảng trên đường tìm người cướp tài sản. Ông Ra đeo bám, phát hiện chúng vào 1 cửa hàng bán quần áo trên đường Kha Vạn Cân trộm 2 xấp quần jeans. Gã đàn ông bị chủ cửa hàng cùng nhân viên bắt quả tang, còn người phụ nữ bỏ chạy, bị ông Ra đuổi theo bắt lại.

Ông Nguyễn Văn Ra nhận được nhiều giấy khen do thành tích bắt cướp Ảnh: SỸ HƯNG
Ông Nguyễn Văn Ra nhận được nhiều giấy khen do thành tích bắt cướp Ảnh: SỸ HƯNG

Lần khác, khoảng tháng 6-2015, ông đang chờ khách trên đường Tô Vĩnh Diện thì nghe tiếng tri hô của 1 phụ nữ, nhìn lại ông thấy nam thanh niên đang chạy xe máy với tốc độ cao nên đuổi theo. Đến gần chợ Thủ Đức, ông Ra tiếp cận được tên cướp nhưng bị 2 đồng bọn của hắn từ phía sau vượt lên cản địa, đạp ngã xe xuống đường bất tỉnh. Lần đó, ông bị gãy 5 xương sườn, gãy xương vai, tràn dịch màng phổi… nằm điều trị cả mấy tháng. Khỏe lại, ông tiếp tục bắt cướp mỗi khi nhận được tin báo của người dân hay khi chạy xe trên đường mà phát hiện được kẻ cướp.

“Tụi cướp biết “tiếng” tôi nên cắt cử đồng bọn canh me, lên kế hoạch cản địa nếu bị tôi truy đuổi. Tụi nó lợi dụng lúc tôi về nhà ăn cơm hay chở khách đến địa bàn khác thì ra tay. Những lúc như vậy, tôi ức lắm” - ông Ra nói.

Hơn 16 năm hành nghề xe ôm, ông Ra đã tham gia triệt phá nhiều vụ cướp giật và vinh dự nhận được nhiều bằng khen từ Bộ Công an, Công an TP HCM, chính quyền địa phương… Năm 2016, ông còn được tuyên dương trong chương trình “Gương sáng phố phường” lần thứ 17 tổ chức tại TP HCM. Khi được hỏi vì sao dám “liều mình” như vậy, ông nói vui: “Vì người dân đã phong cho tôi là “hiệp sĩ xe ôm” thì tôi phải sống sao cho xứng đáng với niềm tin của họ. Với lại, mình là người dân TP thì cũng phải cống hiến chút gì đó cho nơi mình sống”.

Người “đưa đò” thầm lặng

Sau nhiều lần điện thoại, ông Bùi Văn Oanh (còn gọi là Ba Oanh; ngụ đường Đoàn Văn Bơ, quận 4) đã cho chúng tôi cái hẹn. Thế nhưng, hôm chúng tôi tìm đến nhà, ông đã theo xe để đưa một người về Cần Thơ an táng. “Lớn tuổi rồi chứ hễ có thông tin hay có người tìm đến nhờ là ổng đi liền. Lâu lâu mới ở nhà một bữa” - một người hàng xóm cho biết.

Trầy trật mãi, cuối cùng chúng tôi cũng được nghe ông kể chuyện. Hơn 40 năm theo “nghề”, ông Ba Oanh đã giúp đỡ cho hàng trăm gia đình nghèo khó được mai táng miễn phí hoặc giúp đưa thi thể của những người bất hạnh được về quê an táng.

Ông Ba Oanh (phải) giúp hốt cốt cho những người có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Ông Ba Oanh (phải) giúp hốt cốt cho những người có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh do gia đình cung cấp)

“Trước đây, mỗi lần gặp nạn nhân có gia cảnh quá khó khăn, tôi lại tất bật đi xin quan tài. Nơi này không cho, tôi lại đạp xe đi nơi khác, chừng nào có mới thôi. Gần đây, tôi đã có “mối” một số người cho quan tài nên trong nhà luôn để sẵn 2 cái, có ai cần là đáp ứng liền. Điều tôi mong là có được nhiều người giúp quan tài để khi gặp những phận người cơ cực nằm xuống, tôi không phải chạy ngược xuôi, gõ cửa từng nhà nhờ giúp đỡ” - ông Ba Oanh tâm sự.

Cũng theo ông Ba Oanh, hiện đội mai táng của ông có hơn 30 thành viên (gồm những người làm thợ hồ, chạy xe ôm, ba gác...) lo hậu sự miễn phí cho hàng trăm trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, đã hơn 20 người được ông và đội mai táng tặng quan tài, tổ chức tang lễ miễn phí.

Để ngày càng “chuyên nghiệp” hơn, những lúc rảnh rỗi, ông thu xếp thời gian đến “học nghề” ở các đám tang; dành tiền sắm sửa trang phục tang lễ. Không chỉ hoạt động ở TP HCM, đội mai táng của ông Ba Oanh còn sẵn sàng đến bất cứ đâu nếu người nghèo cần. Ngoài việc giúp đỡ, mai táng miễn phí cho những trường hợp neo đơn, nghèo khó, ông và đội còn tham gia “nhặt” thi thể nạn nhân bị tai nạn giao thông, chết đuối lâu ngày…

Nói về cái duyên đến với nghề này, ông Ba Oanh cho biết do đã từng trải qua cảnh không có tiền mua quan tài cho cha, phải mua chịu rồi sau đám tang, được bà con hàng xóm giúp đỡ cộng với tiền phúng điếu mới trả được tiền mua quan tài. “Hằng ngày, đạp xe ba gác thuê, tôi chứng kiến biết bao cảnh đời éo le, khốn khó, chết không có tấm áo che thân. Xót xa cho thân phận người nghèo và cũng là để trả nghĩa cho đời, tôi đã đến với nghề” - ông Ba Oanh chia sẻ.

Giáo dục thông qua gương người tốt

Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, lấy gương người tốt để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất, thuyết phục nhất. Vì vậy, để gương người tốt, việc tốt được lan tỏa, không chỉ tổ chức tuyên dương ở TP mà kết hợp với Ủy ban MTTQ TP HCM tuyên dương ở khu dân cư, qua đó sẽ có nhiều người cùng tham gia. Hy vọng qua loạt bài “Người nghèo nghĩa hiệp” của Báo Người Lao Động, các quận, huyện của TP sẽ chú trọng đầu tư nuôi dưỡng, phát huy hơn nữa những tấm gương người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tr.Hoàng

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-11

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo