Bạn đọc NGUYỄN TRÚC:
Điều chỉnh thói quen, tâm lý "để dành", "cả nể"
Không thể phủ nhận ưu điểm của tính cách tiết kiệm và có phần lo xa của thế hệ trước. Chính những đấu thóc, lon gạo để dành mà chúng ta sống sót qua thời kỳ bom đạn hay nạn đói hoành hành.
Thế nhưng, xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt làm cho tính cách tốt đẹp ấy có những điểm dần không còn phù hợp.
Đơn cử, nhiều người có tâm lý để dành những thứ dùng chưa hết, như nửa trái chanh, mấy lát cà chua hay bó rau mới lặt một ít...
Không có gì sai khi tiết kiệm thực phẩm và cân đối chi phí nấu ăn. Thế nhưng, việc để dành mà không biết cách bảo quản cũng như dự trù thời gian tối đa có thể lưu trữ của từng loại thực phẩm khiến chúng hư hỏng, phải vứt bỏ là một sự lãng phí.
Ăn uống chừng mực, không thừa mứa chính là cách chúng ta trân trọng tự nhiên và biết ơn người tạo ra thức ăn Ảnh: TRẦN THÁI
Chúng ta từng có thời kỳ ăn cơm độn, một cái trứng luộc cũng chia mấy phần. Điều đó ám ảnh nhiều người, khiến họ có tâm lý "thà thừa hơn thiếu". Khi ăn buffet, dù biết chắc không thể nào dùng hết, thay vì lấy đủ ăn hoặc có thể lấy thêm sau khi còn đói, họ cố gắng lấy hết mọi thứ mà họ nghĩ đắt nhất trong một lần, với tâm lý "thà để dành còn hơn bỏ sót", cứ lấy cho no con mắt, đỡ tiếc tiền mua vé, còn lại… tính sau. Đến khi tiệc tàn, trên bàn ngổn ngang thức ăn chưa dùng đến, họ đứng dậy với tâm trạng hồ hởi, nghĩ mình "không lỗ". Nhưng thật ra, họ đang "lỗ" rất nhiều thực phẩm và ý thức xã hội.
Rồi tâm lý mua sắm thật nhiều để mời khách dịp Tết đến. Cả một năm làm lụng vất vả, để dành tiền sắm sửa một cái Tết đoàn viên thật ấm cúng thì chẳng có gì đáng chê trách. Tuy vậy, việc mua và nấu quá nhiều thực phẩm trong dịp Tết dù số tiền tích góp hạn hẹp và lượng thức ăn thực tế sử dụng không nhiều lại là một sự lãng phí nghiêm trọng. Bởi đâu phải cứ mâm cao cỗ đầy, đâu phải cứ rượu chè lai láng mới là Tết. Trở về nhà, cùng ăn bữa cơm sum họp sau quãng thời gian dài xa cách; cùng tảo mộ ông bà, du xuân, thăm người thân thiết... đã là một cái Tết trọn vẹn.
Bạn đọc LƯU ĐÌNH LONG:
Liệu cơm gắp mắm
Câu nói nêu trên của ông bà ta nhằm khuyên con cháu làm gì cũng vừa sức, kể cả trong chuyện ăn, xem ra vẫn nguyên giá trị.
Tâm lý lấy nhiều, "xả láng" vì nghĩ mình đã bỏ tiền mua vé vào ăn khiến nhiều điểm du lịch ở nước ngoài phải để bảng "chỉ dẫn" tiếng Việt: "Vui lòng không lấy quá nhiều và đừng bỏ thức ăn thừa".
Ngay cả trong những quán chay tự chọn cũng có hiện tượng lấy quá nhiều rồi bỏ. Đến nỗi, chủ quán phải lưu ý: "Xin đừng bỏ thừa thức ăn… Tính tiền gấp đôi".
Không chỉ chuyện ăn đồng giá và dạng buffet hay cơm tự chọn mới có cảnh dùng quá nhu cầu, nhiều khách du lịch ở khách sạn cũng sử dụng phung phí nước, điện, giấy vệ sinh... Ít ai quan tâm rằng cần tiết kiệm, không phải chỉ cho nơi phục vụ mình mà trên hết là cho môi trường. Thực tế, thực phẩm là tặng phẩm của đất trời và công sức nuôi trồng, với rất nhiều nhân duyên mới đến được bàn ăn: từ đất, nước, chăm bón, mưa nắng, đến thu hoạch, vận chuyển, chế biến… Do vậy, ăn uống chừng mực, không thừa mứa cũng chính là cách chúng ta trân trọng tự nhiên và biết ơn người tạo ra thức ăn nuôi sống ta hằng ngày.
Nuôi dưỡng tâm lý theo hướng này, ta sẽ sống "muốn ít, biết đủ" và góp phần bảo vệ môi trường. Trên hết là hình thành thói quen chi tiêu, sử dụng mọi thứ một cách tiết kiệm hơn, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Bạn đọc NGUYỄN NGỌC:
Ứng xử văn minh với thực phẩm thừa
Trên thế giới, cứ 7 người thì có 1 người bị đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết đói mỗi ngày. Câu chuyện lãng phí thực phẩm nóng lên trên toàn cầu với con số thống kê và cảnh báo đáng lo ngại có làm bạn quan tâm?
Đôi ba người vẫn bao biện đồng tiền họ kiếm được, sử dụng tiết kiệm hay hoang phí là quyền của họ. Đôi ba người vẫn cố cãi rằng thực phẩm ấy họ đã mua, thức ăn ấy họ đã tính tiền thì đương nhiên họ có toàn quyền định đoạt… Xin thưa, điều ấy quả là ích kỷ!
Lãng phí thực phẩm là một món nợ với tương lai! Sự hoang phí sức lao động, xem nhẹ mồ hôi nước mắt trên từng đồng tiền kiếm được đâu chỉ là câu chuyện của cá nhân! Tác động môi trường của hàng triệu tấn thực phẩm thừa mứa, ôi thiu, không sử dụng đến mới thật sự kinh hoàng.
Nguồn năng lượng và tài nguyên tiêu tốn cho quá trình nuôi trồng, đánh bắt, sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm đã bị đánh tráo bằng thái độ thờ ơ của bao người. Đặc biệt, thực phẩm bỏ đi bị thối rữa sẽ thải ra metan - một loại khí nhà kính mạnh. Môi trường, tài nguyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bị hủy hoại bởi chính hành động ích kỷ của một số người vô tư, vô lo!
Một vài chiến lược đã được triển khai hành động trong nỗ lực giảm lãng phí thực phẩm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đáng buồn là hiệu ứng tích cực mà nó mang lại vẫn chưa thật sự tác động sâu rộng đến nhận thức của đại bộ phận người dân, điển hình là Việt Nam vẫn ở "tốp đầu" trong nạn lãng phí thực phẩm.
Muốn đạt mục tiêu xoay chuyển ý thức, thái độ, hành vi của người Việt xung quanh thói quen vung tiền mua sắm, chất đồ đầy ứ tủ lạnh, bày la liệt món trên mâm cỗ và thản nhiên phung phí, chúng ta cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, một số mô hình tận dụng thực phẩm thừa từ siêu thị, nhà hàng, quán xá như giảm giá cuối ngày, liên kết xin đồ ăn thừa cho người nghèo, khốn khó, người vô gia cư... cần được nhân rộng. Mỗi người cần phải ý thức được rằng: Bên cạnh cuộc sống đủ đầy của chúng ta, còn vô số người vẫn đang khao khát bữa ăn no!
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-11
Bình luận (0)