xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người Việt quá lãng phí thực phẩm!

BẠCH HUY THANH - NGỌC ÁNH

Một lượng lớn thực phẩm bị bỏ đi hằng ngày, hằng giờ trong khi nhiều người không có để ăn là một sự vô tâm và lãng phí lớn

Với tâm lý "no bụng đói con mắt" hay "mua mâm phải đâm cho thủng", thực tế tại các nhà hàng cho thấy nhiều thực khách gọi thức ăn cực kỳ lãng phí.

Nghịch lý chọn nhiều, bỏ nhiều

2/3 con gà hấp muối sả, một nửa nồi lẩu hải sản và phần lớn đĩa cá lóc chiên giòn nằm trong vô số thức ăn mà cặp nam nữ bỏ lại tại nhà hàng có dịch vụ câu cá khu vực Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh, TP HCM vào cuối tuần qua. Quản lý nhà hàng trong lúc chỉ đạo nhân viên dọn những món thừa nói với phóng viên đó là cảnh thường thấy trong những bữa tiệc của các thực khách tới đây.

Anh này nhận xét thói quen của khách hễ vào là cấp tập gọi món. Món đưa ra ăn không hết thì vô tư bỏ lại nhiều khi nhìn thấy xót. "Hy hữu thì vài khách nữ đề nghị chúng tôi gom thức ăn dư vào bịch xốp mang về còn đa phần rời đi" - quản lý nhà hàng kể và cho biết đó là cách ứng xử với thức ăn "chưa đẹp" của người thành phố.

Còn tại TP Hà Nội, theo ghi nhận trong nhiều nhà hàng buffet, tình trạng khách lấy thức ăn vô tội vạ, lấy rất nhiều nhưng không sử dụng hết phải bỏ đi diễn ra phổ biến. Anh Trần Cường (chủ nhà hàng buffet ở một trung tâm thương mại) cho biết hầu hết khách hàng đi ăn buffet đều có tâm lý "ăn tẹt ga". Tâm lý của họ là bỏ tiền thì phải sử dụng tối đa các dịch vụ hoặc phải "lãi" so với số tiền bỏ ra. Vì vậy, nhiều khách cứ lấy thức ăn rất nhiều nhưng chỉ ăn chút ít, có khách nướng cả đĩa thịt rồi không ăn, nhà hàng phải bỏ hết.

Người Việt quá lãng phí thực phẩm! - Ảnh 1.

Bữa tiệc của 2 người tại nhà hàng có dịch vụ câu cá ở quận Bình Thạnh, TP HCM được ghi lại Ảnh: HẠNH ĐOÀN

Việt Nam "tốp đầu"

Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Foodbank Việt Nam, nhận xét đại dịch COVID-19 không chỉ làm gián đoạn hệ thống nông nghiệp thực phẩm mà còn gây ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có. Điều này dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về sinh kế và thu nhập, gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và bất bình đẳng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trên thế giới, cứ 7 người thì có 1 người bị đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết đói mỗi ngày. Hiện nay, hành vi lãng phí làm tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và ảnh hưởng đến giá bán thực phẩm. Hơn nữa, tác động môi trường của nó là hết sức nghiêm trọng.

Một khảo sát quy mô 4.000 hộ gia đình tại 8 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số lãng phí thực phẩm, chỉ sau Trung Quốc.

Về nguyên nhân lãng phí, hơn 50% thức ăn bị lãng phí ban đầu được tạo ra do tâm lý "để phần" cho những người không thể có mặt trong bữa ăn đó cùng gia đình; 49% những người để thức ăn trong tủ lạnh sẽ quên lãng nó đến khi không còn ăn được; 35% không biết cách kiểm soát khẩu phần ăn (khi chế biến, nấu nướng) một cách hợp lý dẫn đến nấu dư thừa.

Tại Việt Nam, cơm/bún/phở/mì chiếm tỉ trọng lớn nhất trong biểu đồ những loại thức ăn bị lãng phí (68%). Kế đến là thịt/cá nấu chín (53%) và rau củ (44%). Theo ông Nguyễn Tuấn Khởi, người tiêu dùng chưa có nhận thức đầy đủ về vấn đề lãng phí thực phẩm để lập kế hoạch bữa ăn hợp lý, giảm tình trạng mua quá nhiều.

Chủ tịch Foodbank Việt Nam cho rằng hoạt động mua sắm, nấu nướng, ăn uống và vứt bỏ thức ăn có thể là một hoạt động thiếu suy nghĩ. Do đó, không ngạc nhiên khi sự nhận thức rất hạn chế về lượng thức ăn bị mất và lãng phí trong chuỗi cung cấp thực phẩm trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, phân phối và xử lý. Tuy nhiên, những tác động kinh tế - xã hội và môi trường từ lượng lớn thực phẩm bị mất và lãng phí thật đáng kinh ngạc, tác động đó tiếp tục tăng và là mối đe dọa thực sự.

"Cho dù chúng ta làm ra bao nhiêu thực phẩm đi chăng nữa thì cách chúng ta tiết kiệm và chống lãng phí thực phẩm mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta ăn uống hợp lý là góp phần vào việc tiết kiệm và chống lãng phí thực phẩm cho bản thân, gia đình, đất nước và toàn cầu" - ông Nguyễn Tuấn Khởi khẳng định.

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn

Trên thế giới còn nhiều người rơi vào tình trạng thiếu ăn. Trong khi đó, lãng phí vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Đáng nói hơn nữa, Việt Nam được xếp đứng trong tốp đầu về lãng phí thực phẩm.

Có những sự lãng phí hoàn toàn do vô thức, cũng không ít sự lãng phí xuất phát từ chủ ý, muốn chứng tỏ mình giàu sang của người tiêu dùng. Thế nhưng, sự lãng phí dù vô tình hay cố ý đều gây ra hệ lụy giống nhau.

Để thức ăn không bị lãng phí, cộng đồng có được một tương lai tốt hơn, trước hết rất cần sự tự giác của mỗi người trong mua sắm thực phẩm và trên chính đĩa thức ăn của bản thân, gia đình.

Từ số báo hôm nay, Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Người Việt quá lãng phí thực phẩm!". Bài viết xin gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.

Nhiều kiểu lãng phí

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định vấn đề lãng phí thực phẩm diễn ra phổ biến hiện nay. Lãng phí thực phẩm có nhiều khía cạnh, có trường hợp nhiều người đi ăn tại nhà hàng, để tỏ ra sang chảnh hay giàu có, họ gọi rất nhiều thức ăn, nhiều món đắt tiền nhưng ăn không hết phải bỏ đi. Hay trong thực tế cuộc sống gia đình hằng ngày, nhiều khi các thành viên trong nhà mua thực phẩm về nhưng để trong tủ lạnh lâu ngày không sử dụng hoặc không biết cách bảo quản khiến thực phẩm hư hỏng...

Trong khi đó, có rất nhiều người trong xã hội đang chịu cảnh thiếu thực phẩm, nhiều người nghèo phải tiết kiệm từng chút thực phẩm để sống qua ngày...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo