xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà thơ chủ khách sạn chó, mèo

TRẦN HÀ NGÂN

Trên đời, có người chỉ nổi tiếng tài năng trong một lĩnh vực nào đó cũng đã đáng nể rồi.

Thế mà Nguyễn Bảo Sinh lại nổi tiếng tài năng trong rất nhiều lĩnh vực. Nhiều người gọi ông là kỳ nhân, dị nhân, thậm chí... quái nhân, mà danh nào cũng đúng.

Bảo Sinh nổi tiếng đến mức ngõ rẽ vào nhà ông ở phố Trương Định, TP Hà Nội có biển đề "Ngõ 167" nhưng ông gắn thêm biển "Ngõ Bảo Sinh" bên cạnh cũng không ai bắt gỡ xuống. Không phải ông ngông mà chỉ vì muốn khách hàng tìm đến "khách sạn và nghĩa trang chó, mèo" của mình dễ dàng hơn.

Bảo Sinh nổi tiếng trước hết bởi cuộc đời ông gắn với chó và mèo. Hồi nhỏ, một lần ông bị bố mắng: "Sau này có chó nó nuôi mày". Câu mắng ấy như lời tiên tri số phận.

Nhà thơ chủ khách sạn chó, mèo - Ảnh 1.

Tốt nghiệp đại học, Bảo Sinh không gắn bó với nghề dạy học mà kinh doanh chó, mèo và chơi gà chọi. Với gà chọi, ông chỉ là tay sành chơi còn về chó, mèo, ông là nhà kinh doanh ngoại hạng. Ông yêu chó đến mức từng ôm chúng trốn dưới ao bèo trời rét, đỉa bám đầy người, khi đội bảo vệ đi thi hành lệnh tiêu diệt chó một thời. Bảo Sinh từng miêu tả về mình: "Làm thơ nuôi chó chọi gà/ Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ/ Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ/ Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà".

Bảo Sinh tự xưng mình là "tổ của ngành nuôi chó, mèo cảnh" để bán cho giới nhà giàu. Những năm 1970 - 1980, mỗi con chó của ông giá 1 lượng vàng, có thể mua được cả căn nhà. Không chỉ bán giống, ông còn trở thành bác sĩ thú y tư vấn cho các gia chủ cách nuôi dạy chó, mèo và trực tiếp chữa bệnh cho chúng...

Khi nhiều người bắt chước Bảo Sinh nuôi và bán chó, mèo giống, thế là ông bỏ nghề, trở thành người đầu tiên mở khách sạn dành cho chó, mèo. Các quan chức và giới đại gia nuôi thú cưng có giá hàng chục triệu, thậm chí trăm triệu đồng, mỗi khi đi công tác, về quê hay đi du lịch lại mang chúng gửi khách sạn nhờ ông chăm sóc mới yên tâm. Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi về phép cũng mang thú cưng đến gửi ông.

Bảo Sinh có một đội ngũ chuyên môn giỏi, giúp ông chăm sóc thú cưng. Chó, mèo ở khách sạn được cho ăn uống đầy đủ, vệ sinh tắm gội sạch sẽ, được mát-xa, chải lông, tết tóc, tỉa tót trang điểm móng vuốt, được nghe nhạc và xem tivi... Ông là người đầu tiên ở Việt Nam tổ chức thi... hoa hậu chó, mèo.

Kinh doanh khách sạn chó, mèo đang ăn nên làm ra, Bảo Sinh lại bỏ bởi thấy nhiều người bắt chước. Trong khu đất riêng hơn 2.500 m2 giữa Hà Nội, ngoài khách sạn 5 tầng, ông mở nghĩa địa dành cho chó, mèo.

Nhà thơ chủ khách sạn chó, mèo - Ảnh 2.

Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh (trái) và tác giả

Nắm bắt được tâm lý của giới nuôi thú cưng - nhiều người khóc thương khi con vật từng gắn bó với mình lìa đời, ông cho họ đem chúng chôn trong nghĩa địa hoặc hỏa táng. Tro sau khi hỏa táng được bỏ vào bình có in tên tuổi và hình con vật lúc còn sống, đặt trên những kệ tường, dưới mỗi bình tro là bát hương để chủ nhân hằng tháng đến thắp hương tưởng nhớ; hoặc rải xuống ao, giữa ao có tượng Phật tưới bình nước cam lồ...

Lĩnh vực nổi tiếng nhất của Bảo Sinh là thơ ca. Nhìn những tác phẩm thơ dày hàng gang của ông đã xuất bản mà choáng ngợp: "Huyền thi", "Thiền dân gian", "Huyền ngôn". Những tập tản văn của ông như "Bát phố 1", "Bát phố 2" cũng được đánh giá cao, được xét trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2014.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người bạn thân thiết 40 năm của Bảo Sinh, sinh thời phong cho ông là nhà thơ dân gian. Từ đó, nhiều người mặc nhiên gọi ông với danh vị này và ông cũng tự nhận như vậy.

Thơ của ông đã đi vào đời sống, đến mức không còn phân biệt đâu là thơ Bảo Sinh, đâu là của dân gian. Trong dân gian truyền tụng những câu: "Vợ là cơm nguội nhà ta/ Lại là phở tái thằng cha láng giềng"; "Sang sông sợ nhất đò đông (có người chế thành: Ra đường sợ nhất công nông)/ Về nhà sợ nhất vợ không nói gì"... Đó chính là thơ của Nguyễn Bảo Sinh.

Bảo Sinh được gọi là nhà thơ dân gian trước hết bởi thơ ông phản ánh những vấn đề sát sườn trong đời sống thường ngày, diễn đạt bằng cách cảm, cách nghĩ gần gũi với nhân dân trong ca dao, tục ngữ truyền thống. Thơ ông đa số là lục bát. Ông chọn thể loại này vì nó dễ thuộc, dễ nhớ, dễ truyền tụng. Tuy nhiên, nếu non tay, lục bát dễ bị sa vào vần vè nhạt nhẽo. Qua tay Bảo Sinh, lục bát trở nên rất hấp dẫn, mang nhiều yếu tố triết lý thông minh, mang đậm dấu ấn riêng của ông, đọc một lần là găm vào trí nhớ độc giả.

Thơ Bảo Sinh giàu tính thời sự, châm biếm nhẹ nhàng: "Trốn chợ lên đỉnh núi tu/ Họ bê cả núi hoang vu về phường/ Tiếng chuông vào phố lạc đường/ Sư già khất thực luôn mồm thanh kiu"; "Ngày xưa đất rẻ như bèo/ Tường đông ong bướm bay vèo là sang/ Giậu mồng tơi cạnh nhà nàng/ Nay xây tường kín xin chàng bấm chuông"; "Lều tranh hai trái tim vàng/ Sổ đỏ không có liệu chàng tính sao"; "Suốt đời chỉ yêu một người/ Loại ấy tuyệt chủng trên đời từ lâu"...

Bảo Sinh từng có câu thơ tổng kết chung cho kiếp người làm thơ: "Biết bao thi sĩ vô danh/ Nhưng vần thơ lại trở thành ca dao/ Biết bao thi sĩ ngôi sao/ Suốt đời không để câu nào cho ai". Đời người làm thơ, có được một bài mà độc giả yêu thích hoặc một vài câu thơ để người đời nhớ đến cũng đã là hạnh phúc: "Đời thơ như núi Thái Sơn/ Đốt đi xá lị may còn một câu". Thế nhưng, ông lại có hàng chục, thậm chí hàng trăm câu thơ mà người đời truyền tụng.

Có khi người ta thuộc thơ mà không nhớ đến tên Bảo Sinh. Có thể có người nhận câu nọ, câu kia của Bảo Sinh là thơ mình, ông biết vậy nhưng không thấy buồn phiền, hậm hực. Ông có cái nhìn thật bao dung khi có người ăn cắp thơ mình, coi đó là vinh dự và phải cảm ơn họ: "Gặp kẻ ăn cắp thơ ta/ Hóa ra người ấy lại là tri âm".

Nguyễn Bảo Sinh là một con người đa dạng, phong phú, sống nhiều cuộc đời trong một cuộc đời. Riêng tôi cho rằng mọi thứ mà ông có được rồi cũng sẽ qua đi, nhưng thơ của ông sẽ còn được người đời truyền tụng mãi. Nguyễn Bảo Sinh là nhà thơ đích thực.

Thật kỳ lạ, Bảo Sinh là người làm việc gì cũng hái ra tiền. Ông bảo vì kiếm tiền dễ quá nên không quá quan trọng về tiền bạc nhưng tiền bạc cũng là thước để đo "tâm" của con người. Ông luôn sẵn sàng đem tiền giúp bạn bè và người ông thấy cần giúp đỡ: "Khi mê tiền chỉ là tiền/ Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm".

Hồi còn là sinh viên đại học, Bảo Sinh đã kiếm được khá nhiều tiền bằng việc dạy võ (boxing) cho mấy chục võ sinh. Trước khi nổi danh về chó, mèo, ông còn nổi danh là họa sĩ vẽ truyền thần. Ông mở hẳn một hợp tác xã vẽ truyền thần ở phố cổ Hàng Đào. Trên tường, ông còn lưu bức vẽ truyền thần một cô gái Tày - người tình không thành duyên vợ chồng của bố ông và một bức truyền thần "người yêu" của mình, bức nào cũng có hồn.

Bàn làm việc của Bảo Sinh còn có tấm biển đề khiến tôi ngạc nhiên: "Bảo Sinh đường, chuyên trị viêm xoang, họng, phế quản". Hóa ra, ông còn là một thầy lang chữa bệnh với những bài thuốc gia truyền. Tất cả những lĩnh vực nói trên, mỗi lĩnh vực đều có thể viết được một bài rất dài về ông.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo