"Có một số vụ xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE), dù đối tượng đã khai nhận hành vi phù hợp với trình báo của nạn nhân nhưng VKSND cho rằng thiếu chứng cứ nên hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của cơ quan CSĐT. Nguyên nhân là do vụ án xảy ra đã lâu, không thu được tinh dịch, tế bào nam. Như vậy, việc đánh giá chứng cứ và quan điểm xử lý một số vụ án XHTDTE giữa các cơ quan tố tụng là còn chưa thống nhất" - đại diện Công an (CA) quận 12 phát biểu trong buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM.
Chắc chắn 100% mới phê chuẩn
Đây cũng là ý kiến của nhiều cơ quan CA quận - huyện khác khi nói về những khó khăn, vướng mắc trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng có hành vi dâm ô, hiếp dâm trẻ em khiến cho một số vụ XHTDTE không được xử lý hình sự. Thậm chí, chứng cứ chắc chắn 100%, VKS mới phê chuẩn, 95% vẫn bị hủy bỏ quyết định khởi tố.
Thượng tá Trương Minh Đức, Phó Trưởng CA huyện Hóc Môn, cho biết: "Nếu người bị hại chỉ cung cấp thông tin bằng lời nói mà không có hình ảnh, chứng cứ thuyết phục thì khó xử lý người có hành vi dâm ô trẻ em, bởi khi ra tòa, bị cáo có thể phản cung, cho rằng tại CQĐT bị ép cung hoặc vì tâm lý lo sợ nên khai không đúng…".
Minh chứng thêm về nguyên nhân dẫn đến việc một số đối tượng ấu dâm thoát tội, thiếu tá Lê Đức Song (Đội phó Điều tra CA huyện Hóc Môn) kể thực tế có nhiều vụ XHTDTE với những tình huống phức tạp, không thể khởi tố nếu chỉ dựa trên lời khai. Đó là những vụ trẻ em bị xâm hại đã lâu gia đình mới báo CA nên dấu vết bị xóa hết, việc thu thập dấu vết, chứng cứ đầy đủ, chính xác rất khó khăn, không đủ cơ sở để đưa người phạm tội ra trước pháp luật. Có trường hợp thầy giáo dâm ô nhiều học sinh tiểu học nhưng khi CA tìm hiểu, các em lại nhất loạt bảo vệ thầy. CQĐT phải tiếp cận, đấu tranh bằng những biện pháp nghiệp vụ, các em mới chia sẻ thật. Có trường hợp giám định pháp y xác định có ADN của đối tượng nhưng nếu nằm ở ngoài âm hộ thì cũng chưa thể khẳng định đối tượng có xâm hại (vì có thể dùng chung khăn, mặc chung quần...); rồi ADN không đủ để đối chiếu với mẫu ADN của đối tượng...
Một người mẹ khóc nghẹn khi kể lại việc con gái 7 tuổi bị xâm hại. Ảnh: Ý LINH
Nhiều khoảng trống pháp lý
Nhiều đại biểu cũng đã chỉ ra một số quy định pháp luật hiện hành về các tội danh liên quan đến XHTDTE chưa đầy đủ, cụ thể; chế tài xử phạt chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; việc tiếp nhận, xử lý tin tố giác còn chưa đồng bộ… Chính những điều đó là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng phạm tội; còn dư luận thì hoang mang, bức xúc, suy giảm niềm tin vào tính nghiêm minh của luật pháp.
Các quy định trong Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 về tội phạm tình dục rất mơ hồ; các văn bản hướng dẫn cũng không đầy đủ. Điển hình về tội "Dâm ô", BLHS 2015 thiếu quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô. Việc xem xét hành vi dâm ô hiện nay dựa vào hướng dẫn của Thông tư liên tịch từ năm 1998 (hướng dẫn BLHS 1985). Theo đó, dâm ô là hành vi "của người phạm tội, như sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác nhưng không có việc giao cấu với trẻ em".
Như vậy, định nghĩa về hành vi dâm ô chỉ tập trung vào những hành vi tiếp xúc bộ phận sinh dục mà bỏ qua rất nhiều hành vi có bản chất tình dục khác như hôn vào môi, vào ngực hay các bộ phận nhạy cảm khác trên cơ thể…, bỏ qua việc nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi tương tự đối với kẻ phạm tội.
Ngoài ra, công tác giám định về XHTDTE còn nhiều hạn chế, tại Luật Giám định tư pháp 2012 đã không quy định việc trưng cầu giám định pháp y về XHTDTE là loại đặc biệt, phải được thực hiện nhanh để xác định thủ phạm.
"Mỗi khi có vụ xâm hại trẻ em xảy ra, người dân phải được biết báo cho ai và tin báo đó phải được tiếp nhận, xử lý nhanh chóng; kẻ phạm tội không thể thoát tội mà phải bị trừng phạt với mức án nghiêm minh. Đó chính là cách phòng ngừa nạn xâm hại trẻ em hiệu quả nhất" - đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, nhấn mạnh.
Cần rà soát lại các quy định hiện nay, góp ý để tháo gỡ sao cho có thể xét xử nghiêm minh, không bỏ sót người lọt tội” - thượng tá Trương Minh Đức kiến nghị.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-4
Kỳ tới: Sửa luật để trừng trị
Bình luận (0)