Vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế vừa diễn ra vào tối 18-8 tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động.
Từ quát nạt, đe dọa đến hành hung
Theo đó, anh Nguyễn Văn Nam (26 tuổi) bị tai nạn giao thông vỡ xương gò má, người nhà to tiếng yêu cầu đưa bệnh nhân đi chụp phim ngay lập tức. Khi được nữ bác sĩ trực giải thích, người này đã quát nạt, chửi bới rồi tát vào mặt, đấm vào đầu bác sĩ.
Chỉ vài ngày trước (ngày 15-8), điều dưỡng Vũ Văn Sang trong khi đang sắp xếp cho bệnh nhân Cao Thị Há (TP Buôn Ma Thuột) chuyển khoa do được chẩn đoán trĩ xuất huyết, đái tháo đường, đột quỵ nhồi máu não thì con trai của bệnh nhân Há là Lâm Tùng Sơn đi vào, tay cầm dao, la hét, rượt đánh đấm vào mặt điều dưỡng Sang gây chảy máu.
Còn tại Bệnh viện Việt Yên (Bắc Giang), ngày 12-7, một bác sĩ sau khi xử lý vết thương nhỏ ở cánh tay và khuỷu tay cho một bệnh nhân, đã bị một người đi cùng nhóm của người bệnh cầm máy đo huyết áp ném vào đầu gây chấn thương, khâu 5 mũi.
Hay trong tháng 4-2017, bác sĩ phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) bị người nhà bệnh nhân hành hung khi giải thích tình trạng của bệnh nhi nhập viện cho gia đình. Cú đánh khiến bác sĩ ngất tại chỗ, đầu phải khâu 7 mũi.
Tình trạng nhân viên y tế bị hành hung liên tiếp đã làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên y tế cũng như chất lượng khám chữa bệnh. Bộ Y tế đã phải tổ chức hội nghị "Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế" vào tháng 4-2017 nhưng xem ra, tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Camera ghi lại cảnh người nhà nạn nhân tấn công nữ bác sĩ ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An. (Ảnh cắt từ clip)
Mềm mỏng và khéo léo
Một bác sĩ có thâm niên công tác hàng chục năm tại một bệnh viện lớn phân tích nguyên nhân dẫn đến nạn hành hung nhân viên y tế là do tình trạng quá tải, một số nhân viên y tế có lời ăn tiếng nói, thái độ, hành vi ứng xử không đúng mực, năng lực chuyên môn hạn chế... Ngoài ra, một số người dân nhận thức chưa đúng, không quen chờ đợi, nôn nóng cho sức khỏe người nhà mà hành động khá nóng nảy... Để giảm cơn nóng giận đối với một số người chuẩn bị có hành vi gây rối, phải làm tốt công việc tư vấn cho người nhà bệnh nhân khi vào bệnh viện. "Thông thường, khi thấy bác sĩ nhiệt tình, trách nhiệm, vững chuyên môn, cơn nóng của họ sẽ qua đi" - vị bác sĩ tâm sự.
Còn đối với BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng TP (TP HCM), việc đối thoại bình tĩnh với gia đình bệnh nhân là điều quan trọng nhất để nhân viên y tế tự bảo vệ mình, cũng như sống đúng với trách nhiệm của nghề nghiệp. "Quan trọng là bác sĩ phải đánh giá, tiên lượng, đưa ra hướng điều trị hợp lý cho bệnh nhân từ đầu và giải thích với người nhà. Nếu thực sự tình hình quá nguy kịch, họ nên được biết trước để chuẩn bị tâm lý. Nên cập nhật tình hình bệnh nhân, báo với người nhà khi ca bệnh chuyển biến xấu... Trên hết, hãy làm đúng trách nhiệm của mình, cố gắng hết mức để cứu bệnh nhân. Đừng bao giờ đẩy bệnh nhân vào cánh cửa phòng đóng chặt và rồi chỉ mở ra để thông báo rằng người nhà của họ đã chết" - BS Tiến tâm sự.
BS Tiến cũng cho rằng cần có những buổi sinh hoạt chuyên đề dành cho nhân viên y tế về cách giao tiếp với bệnh nhân để giúp bệnh nhân và người nhà dễ hiểu và hợp tác hơn trong việc điều trị. Ngoài ra, lãnh đạo bệnh viện cũng phải có trách nhiệm chăm lo đời sống CB-CNV bởi chỉ có đi làm với một tâm trạng thoải mái, yêu thích công việc thì mới cư xử với bệnh nhân một cách thoải mái, dễ chịu được.
Với đặc thù của một đơn vị giám định tâm thần, ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần Khu vực TP HCM, cho biết trung tâm thường xuyên phải tiếp nhận nhiều đối tượng có liên quan đến các vụ án hình sự, những người tâm thần nên nguy cơ bị hành hung rất cao. Vì vậy, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình phối hợp với lực lượng công an địa phương là rất quan trọng.
"Chúng tôi trang bị nhiều camera, bố trí nhiều bảo vệ, ký kết với lực lượng chức năng địa phương; đồng thời trau dồi kinh nghiệm, kiến thức ứng xử, kiến thức pháp luật, kỹ năng cũng như trang bị các dụng cụ hỗ trợ hợp lý cho các thầy thuốc để họ biết cách tự bảo vệ mình trước tình huống gây rối" - BS Quang thông tin.
Phòng vệ chính đáng
Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM), điều 6 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh năm 2009 cấm các hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của y - bác sĩ, kỹ thuật viên. Ngoài ra, điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn xã hội, an ninh trật tự quy định có thể phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.
Mọi hành vi gây thương tích cho người khác đều vi phạm pháp luật, tùy vào tỉ lệ thương tật và mức độ gây ra mà các đối tượng tham gia gây rối, tấn công y - bác sĩ có thể bị xử lý tội "Gây rối trật tự công cộng", "Cố ý gây thương tích" hoặc "Giết người".
Nếu bị tấn công quá mức, y - bác sĩ cũng phải có hành vi phòng vệ chính đáng để bảo đảm an toàn cho bản thân mình. Việc này sẽ được pháp luật xem xét khi giải quyết vụ việc cụ thể.
Bình luận (0)