Sáng 7-5, một nhóm thanh niên khoảng 20 người đã xông vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) ĐH Y Hà Nội tấn công một bệnh nhân vừa được đưa vào đây. Trong khi đang cấp cứu cho bệnh nhân, các bác sĩ (BS) bị những người này dùng mã tấu khống chế. Nhóm này đã chém bệnh nhân nhiều nhát, trong đó có một vết thương ở cổ dẫn đến đứt khí quản.
Quá nguy hiểm!
Thời gian qua, nhiều vụ côn đồ xông vào BV đánh người, đe dọa đến an toàn tính mạng của nhân viên y tế liên tục xảy ra. Bên cạnh đó còn nổi lên tình trạng người nhà bệnh nhân hành hung thầy thuốc.
Trước đó, đêm 15-2, trong khi đang làm thủ tục cấp cứu cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông, điều dưỡng Nguyễn Thị Lan - Khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng - bất ngờ bị một thanh niên tấn công tới tấp.
90% vụ việc hành hung thầy thuốc xảy ra tại phòng cấp cứu
Cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và động viên BS Lê Quang Dương - BV Đa khoa huyện Thạch Thất, TP Hà Nội - bị người nhà bệnh nhân đánh bất tỉnh ngay tại phòng bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng sự việc đáng lên án này xảy ra chỉ sau vài ngày bộ tổ chức hội nghị về an ninh, an toàn BV. Điều này cho thấy thầy thuốc luôn đối mặt những nguy hiểm khi đang làm nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa người bệnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 3 tháng đầu năm nay đã có hàng chục vụ bệnh nhân và người nhà vào BV hành hung, đe dọa y - BS, gây rối, làm mất an ninh trật tự. Các vụ xảy ra chủ yếu ở BV tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là BV tuyến trung ương (20%). Đối tượng bị hành hung chủ yếu là BS, chiếm tới 70%; kế đến là điều dưỡng, chiếm 15%. Có 90% vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh, chiếm tới 60%; 30% vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và thân nhân.
Lo cứu người, mất khả năng tự vệ
BS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng việc bệnh nhân hay người nhà chửi bới, hành hung thầy thuốc là hành vi vi phạm pháp luật, rất đáng lên án.
"Khi nhân viên y tế bị đánh, chửi, họ bức xúc, mệt mỏi, thậm chí bị thương tích thì không thể khám chữa bệnh tốt được, hệ số an toàn khám chữa bệnh sẽ giảm sút. BS vừa khám bệnh vừa đề phòng bị đánh hoặc căng thẳng vì bị xúc phạm danh dự sẽ không có sự tỉnh táo trong điều trị" - BS Hùng lo lắng.
Theo BS Hùng, đánh BS cũng có thể là hành vi đe dọa tính mạng của nhiều người, nhất là trong phòng cấp cứu, khi có nhiều bệnh nhân nặng đang cần được BS cứu tính mạng.
Lý giải tại sao các vụ hành hung thầy thuốc thường xảy ra trong lúc cấp cứu, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho rằng tại đây, người nhà bệnh nhân thường có tâm lý sốt ruột, lo lắng cho người thân, muốn các BS can thiệp sớm để bệnh nhân bớt đau ngay. Người nhà không hiểu được rằng cấp cứu phải có quy trình, trong nhiều thời điểm phải ưu tiên cấp cứu người bị bệnh nặng trước hoặc có những bệnh phải đợi theo dõi dù bệnh nhân đang đau đớn…
Thầy thuốc đang phải tự bảo vệ mình. Thế nhưng, đã là thầy thuốc thì nhiệm vụ của họ là cứu người dù người đó hành hung, đe dọa đến sự an nguy của mình. Vì đặc thù công việc như thế, họ đánh mất khả năng tự vệ, phản kháng khi khám chữa bệnh.
Bình luận (0)