. Bạn đọc TRƯƠNG THÀNH LỘC (quận Bình Thạnh):
Còn khỏe mạnh, còn được làm việc là may mắn
Do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, tôi nghỉ việc tại một khách sạn 5 sao ở quận 1 sau gần 4 năm làm việc. Gần đây, tôi đầu quân cho một công ty về cơ khí và nội thất với vị trí giám sát thi công. Công việc tưởng chừng ổn định thì bất ngờ tháng 5-2021, Covid-19 một lần nữa gây xáo trộn tất cả.
Trong lúc dịch bệnh còn lây lan phức tạp ngoài cộng đồng, nhiều doanh nghiệp chọn mô hình "3 tại chỗ": ăn, nghỉ và sản xuất tại chỗ để duy trì hoạt động và phát triển. Tôi tham gia bộ phận sản xuất nên phải vội vàng chuẩn bị quần áo, vật dụng cá nhân để... dọn vào nơi làm việc.
Những ngày làm việc và sinh hoạt tại nhà máy, sống chung với anh em thợ cơ khí, thợ mộc, thợ cắt CNC... đem lại cho tôi nhiều cảm xúc. Các đồng nghiệp của tôi đa số đã lập gia đình và là những người bươn chải khá nhiều, nên khả năng thích ứng hoàn cảnh rất nhanh. Chúng tôi chia sớt những phần cơm đơn vị cung cấp, san sẻ từng gói cà phê, túi xà bông, nhu yếu phẩm... Có anh bạn, cứ chiều tối là gọi video cho vợ con, nghe tiếng thằng nhỏ cười và gọi ba thì anh mừng rỡ, như được xua tan hết mệt nhọc, những người xung quanh cũng vui lây. Có đồng nghiệp nhờ những ngày giãn cách xã hội mà bỏ được thói quen hút thuốc lá... Những điều tưởng bình thường giờ lại khiến chúng tôi thấy vui và cảm nhận tình thương quanh mình.
Dẫu cũng có ít nhiều trăn trở song tôi không ngừng nuôi hy vọng rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Đại dịch "càn quét" toàn cầu cướp đi bao sinh mạng, bao người thất nghiệp, bao doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí phá sản. Lo âu, hoang mang trước đại dịch là chuyện khó tránh khỏi nhưng còn khỏe mạnh, còn được làm việc đã là điều may mắn. Vậy nên, hãy giữ cho mình tinh thần lạc quan, sự kiên nhẫn và một trái tim yêu thương nhiều hơn để nỗ lực của rất nhiều người đang gian khổ chống dịch không trở nên hoài phí.
Người mẹ vui với mớ quà quê trong mùa giãn cách. Ảnh: NGUYỄN PHONG CHÂU
. Bạn đọc NGUYỄN PHONG CHÂU (nhân viên thiết kế Công ty TNHH AURECON Việt Nam):
Nhận ra nhiều điều từ gian bếp nhỏ
Thực sự, ở gian bếp đó, ngày thường tôi ít có thời gian để ngắm nhìn kỹ. Những bữa ăn chỉ có mẹ là người chăm lo, nên tôi chỉ… biết ăn là chính. Kể từ khi công ty yêu cầu làm việc tại nhà, tôi đã có nhiều thời gian hơn để ngắm nhìn gian bếp và cách mẹ tôi nấu nướng, dọn rửa.
Mẹ tôi, người phụ nữ cả đời dành cho con cháu yêu thương qua những bữa ăn ngon, đầy ắp sự quan tâm chu đáo. Dù lớn tuổi, mẹ vẫn luôn dành thời gian cập nhật kiến thức, món ăn mới qua kênh YouTube, nhất là khi anh tôi "trang bị" cho mẹ cả iPad lẫn iPhone để có thể truy cập mạng bất cứ lúc nào.
Lúc trước, mẹ thường đi chợ cách nhật, để rau củ luôn tươi mới và bởi chợ khá gần. Từ khi giãn cách xã hội, do mẹ lớn tuổi, có bệnh nền, tôi không để mẹ đi ra ngoài. Tôi đi siêu thị gần nhà, xếp hàng chờ đợi, hơi cực nhưng là biện pháp an toàn. Thỉnh thoảng có người thân ở quê tiếp tế ít rau củ, đọt bí, mẹ rất vui, gọi điện chân thành cảm ơn người gửi.
Ở gian bếp nhỏ mùa dịch, đứa con trai 40 tuổi là tôi len lén nhìn người mẹ gần 70 tuổi nấu nướng cho gia đình, mới thấu hiểu sự vất vả của mẹ bởi sự tỉ mỉ và cả do đôi chân đã yếu, đôi tay đã bớt linh hoạt. Tôi muốn giúp rửa chén, mẹ nói: "Để mẹ làm, con rửa sao sạch" nhưng tôi biết mẹ giành làm vì thấy tôi cực với công việc từ xa của công ty. Bỗng thương thắt ruột gan cả đời mẹ cơ cực, một tay nuôi ba chị em tôi nên người, giờ các con thành đạt vẫn không thôi lo nghĩ cho con.
Bên mẹ trong những ngày giãn cách, tuy không gian có chật chội nhưng đây là khoảng thời gian quý báu mà tôi có dịp được gần mẹ mỗi ngày trọn vẹn sau bao nhiêu năm quay cuồng với công việc, bôn ba đi làm hết công ty này đến công ty khác. Thương mẹ, thương gian bếp nhỏ vẫn ấm lửa vì còn có mẹ ở đó.
Chợ nhỏ dân cư
Gia đình tôi chuyển về khu chung cư này gần 10 năm thế nhưng những người chúng tôi quen chỉ đếm chưa hết bàn tay. Ở đây, mọi người có vẻ sống khép kín, dường như không ai có nhu cầu giao lưu với xóm giềng.
TP HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mọi thứ bỗng thay đổi. Trên Zalo xuất hiện group " Chợ nhỏ dân cư", ban đầu vài ba chục người, về sau có hàng trăm người tham gia. Bà con í ới rủ nhau mua chung rau, củ, quả, thịt, cá... từ các vùng quê, vừa giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm vừa giải quyết nhu cầu khan hiếm hàng hóa. Khi thì chị Cúc ở 701 nhắn: "Người nhà em ở Vĩnh Long có nhãn xuồng cơm vàng ngon lắm, nhà mình ai ăn em đặt, giá gốc chỉ thêm tiền chi phí vận chuyển thôi". Lúc thì Sương 902 rủ mua rau củ Đà Lạt, hoặc giới thiệu những chỗ bán hàng uy tín giá rẻ. Tên nhóm là "chợ nhỏ" nhưng đây còn là tủ thuốc mini, trong đêm khuya nhà nào bất chợt cần máy đo huyết áp, viên thuốc hạ sốt, chai dầu nóng..., chỉ cần vào group là được đáp ứng ngay.
Nhóm cũng có thể coi là một khu vườn gia vị nhỏ với đầy đủ: chanh, ớt, hành, tỏi, tiêu..., đang làm bếp, thiếu gì, chỉ cần nhắn dòng nhỏ, lập tức rất nhiều người tình nguyện cho hoặc chia lại. Nhờ có nhóm "Chợ nhỏ dân cư" mà qua mấy đợt giãn cách, bữa ăn gia đình chúng tôi vẫn tương đối phong phú, cư dân cũng hạn chế ra đường.
Dịch bệnh phức tạp khiến mọi thứ đều bất tiện, buộc mọi người tập chịu đựng và thích nghi nhưng đây cũng là dịp để học cách sống chậm, học cách san sẻ, thấu hiểu tình làng xóm.
Song Nghi (quận 8)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-7
Bình luận (0)