Ngày 29-6, trong cuộc gặp gỡ với Đoàn đại biểu quốc hội TP HCM, một lần nữa vấn đề nóng về xây dựng sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất đã làm bùng lên bức xúc của người dân TP HCM nói chung và các cán bộ hưu trí ở quận Tân Bình nói riêng. Không nóng giận làm sao được khi 1,2 năm trở lại đây, sân bay này ngày càng quá tải vì lượng khách quốc tế cũng như quốc nội. Hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón 32,5 triệu khách/năm, trong khi công suất chỉ có 28 triệu khách. Không chỉ ngộp thở vì khách ở các quầy làm thủ tục, kiểm tra hành lý, đưa tiễn mà ở trên không cũng mệt mỏi vì máy bay đến nhưng không có nơi hạ cánh.
Mà nào đâu đã hết. Sân bay luôn trong tình trạng ùn tắc giao thông quanh khu vực. Đến lúc mưa lớn lại càng dở khóc dở cười vì máy bay sợ ngập; khách đến cũng mếu phần vì kẹt xe, phần do nước ngập. Bế tắc là thế nhưng theo phê duyệt của UBND quận Tân Bình (TP HCM), trong sân bay Tân Sơn Nhất có một khu sân golf và dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất, quy mô 157 ha do Công ty CP Đầu tư Long Biên làm chủ đầu tư. Đây là diện tích đất dự phòng của quốc phòng để bảo vệ TP HCM và sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, sân golf chiếm 111 ha có 36 đường golf, còn lại là các công trình phụ trợ (21 ha), khu nhà hàng, khách sạn, trường học (6 ha), biệt thự và căn hộ cao cấp (9,7 ha).
Nói về dự án mở rộng sân bay, tại cuộc họp Quốc hội chiều 8-6 , Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết: "Bộ Giao thông vận tải đã tìm hiểu kỹ càng và dù Bộ Quốc phòng rất ủng hộ nhưng việc mở rộng sân bay lên phía Bắc là hoàn toàn không khả thi". Bạn đọc Sytrantue nêu vấn đề: "Quận Tân Bình và Gò Vấp kẹt cứng ùn tắc trầm trọng, trong sân bay Tân Sơn Nhất lại quá tải. Vậy mà trong ấy lại có quỹ đất dư để xây dựng sân golf. Đề nghị để quỹ đất đó sử dụng cái gì lợi ích cho nước và dân thì đó mới đúng quy luật của nó".
Chưa có con số cụ thể về số tiền mà sân golf đóng góp cho ngân sách, làm lợi cho nhà nước là bao nhiêu nhưng ai cũng thấy trước mắt việc mất an toàn bay, kẹt xe, ùn tắc và làm mất đi hình ảnh của một sân bay văn minh, hiện đại là thiệt hại khủng về kinh tế và một mất mát không nhỏ. Thế nhưng, việc này đã tồn tại hàng chục năm qua, đến nay vẫn chưa được giải quyết. Chính vì vậy trong kỳ họp quốc hội, nhiều đại biểu đại diện cho cử tri cả nước đều lên tiếng về việc vô lý này, người dân cả nước cũng lên tiếng về việc xây dựng sân golf phản cảm trong phần đất quốc phòng, gây thiệt hại về kinh tế cho đất nước và làm xấu đi hình ảnh của sân bay một quốc gia, trong đó, anh ductin còn đề nghị: "Sân golf phải bồi thường cho sân bay".
Sau thời gian dài đột nhập các khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lê Văn Sang đã vẽ được sơ đồ hiển thị nhiều quán ăn, quán nhậu bao vây sân bay này.
Những người lính lên tiếng
Sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là giữ vị trí chiến lược là sân bay của một thành phố đông dân nhất nhì nước, là bộ mặt của người dân TP HCM mà nó còn có vị thế về lịch sử. Đã có nhiều người lính hy sinh ở khu vực sân bay này trong những cuộc đấu tranh giành độc lập của tổ quốc. Góp phần gìn giữ và bảo vệ hình ảnh của một sân bay cũng là lên tiếng để giành lại sự công bằng, chính nghĩa trong việc phòng chống tham nhũng, bè phái… là nhiệm vụ mà các Đảng viên ngày nay, cũng như người dân đang thực hiện. Đã từng có các đại biểu quốc hội lên tiếng phản đối, các chuyên gia về tư vấn xây dựng, phản biện lại khi ông Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nói không với việc mở rộng sân bay lên phía Bắc nhưng dư luận lần này lại bùng lên cảm xúc khi những người lên tiếng mạnh mẽ và rất quyết đoán là các cán bộ hưu trí, bộ đội ngày xưa, nay có người đã 92 tuổi.
Những người lính năm xưa 7 năm qua đã không ngại vất vả, đóng vai là xe ôm, giả điên, đi xin việc để vào tận trong khu vực làm dịch vụ công ty thuê đất của Bộ Quốc phòng để chụp hình, lưu chứng cứ đưa cho các đại biểu quốc hội xem về các biệt thự, quán ăn, quán nhậu tại khu vực này và muốn được biết cách giải quyết triệt để của nhà nước.
Cử tri Phan Tương (92 tuổi), nguyên là Giám đốc Sân bay Tân Sơn Nhất, nghi vấn: "Kỳ lạ thật, sân golf gì mà có lính canh, an ninh nghiêm ngặt". Đồng thuận với ý kiến của ông Tương, anh Thái Bảo thẳng thắn: "Bộ Quốc phòng cho doanh nghiệp thuê đất làm sân golf, nhà hàng, biệt thự để ở thì khu này đâu còn là khu quân sự nữa đâu mà không cho dân vào?".
Tinh thần vì dân, vì nước, vì một xã hội công bằng và văn minh của các cử tri ở lứa tuổi gần đất xa trời làm nhiều người phấn khích và hoan nghênh, nhiệt liệt ủng hộ. Điều này đặt ra một vấn đề là phải chăng nhiều người đã ngại khó, sợ bị trù dập nên chọn cho mình cách sống im lặng như anh Phạm Trần Kha thắc mắc: "Có 1 câu hỏi đặt ra, tại sao người trẻ, người đang và sẽ làm chủ đất nước, không thấy có ý kiến, mà lại các bác cán bộ hưu trí phản ánh? Phải chăng người ta sợ đụng chạm, sợ mất ghế? Người trẻ nhút nhát hay là không có quan điểm?".
Ủng hộ một tinh thần đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng của các cán bộ hưu trí nhưng trên tất cả là người dân cả nước mong mỏi vào việc nhà nước cần giải quyết nghiêm minh về vấn đề xử lý những sai phạm trong việc cho thuê đất khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để làm sân golf; để sân bay Tân Sơn Nhất không còn quá tải, để cử tri thất vọng với những cố gắng và đóng góp vì sự phát triển của TP HCM như ông Tran Quang Dinh hy vọng: "Sự việc đã quá rõ ràng. Nếu không giải quyết rốt ráo ắt sẽ làm mất niền tin một cách nghiêm trọng từ phía cử tri- nhân dân. Thật cảm kích các vị bô lão VÌ DÂN VÌ NƯỚC, cất công "trà trộn" vào chốn "thâm cung bí sử" mới có những số liệu như vậy.
Bình luận (0)